
Sau thời gian lấy ý kiến, tiếp thu, ngày 7.2, Bộ Tài chính đã hoàn chỉnh bản dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), dự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm 2014. Dự thảo Luật Thuế TTĐB lần này không chỉ “đánh” vào các mặt hàng nhạy cảm như: Thuốc lá, bia, rượu..., mà ngay cả những chuyện nhắn tin bình chọn, mặt hàng nước giải khát có gas... cũng bị áp thuế TTĐB với dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 1.7.2015.
Nhắn tin bình chọn, nước ngọt có gas chịu thuế TTĐB
Từ 1.4.2009, Luật Thuế TTĐB có hiệu lực thi hành với quy định áp thuế TTĐB đối với 16 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng phải chịu thuế TTĐB, nhưng đến thời điểm này, Bộ Tài chính bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ phải chịu thuế TTĐB như dịch vụ nhắn tin trúng thưởng, mặt hàng nước ngọt có gas không cồn...
Lý giải cho việc bổ sung thêm mặt hàng chịu thuế TTĐB, đại diện Bộ Tài chính cho biết: “Đây là loại thức uống được ưa chuộng phổ biến đặc biệt đối với trẻ em, mặc dù, nước ngọt có gas sử dụng chất công nghiệp như hương vị, chất màu, chất bảo quản có hàm lượng tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép, nhưng cũng có tác hại đến sức khỏe người dùng nếu sử dụng hằng ngày hoặc quá mức. Theo khảo sát của Bộ Tài chính, đã có nhiều quốc gia Châu Âu, hay một số bang của Mỹ áp dụng thuế TTĐB cho mặt hàng này. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất đưa nước ngọt có gas không cồn vào diện chịu thuế TTĐB với thuế suất 10%. Dự kiến, số thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 1.500 tỉ vào năm 2016 và đến năm 2018 vào khoảng 1.900 tỉ đồng.
Với dịch vụ nhắn tin bình chọn, dự báo kết quả có thưởng, quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng, bản chất nội dung tin nhắn dự thưởng này là đặt cược (dự đoán, bình chọn nhân vật hoặc trả giá sản phẩm và dự đoán số người tham gia,...). Hiện nay, các Cty cung cấp dịch vụ này đều ký hợp đồng với nhà mạng (gọi là hợp đồng dịch vụ giá trị gia tăng để thu tiền của khách hàng tham gia các trò chơi) qua hình thức nhắn tin. Tại các hợp đồng dịch vụ này có thỏa thuận mỗi tin nhắn (SMS) tham gia bình chọn, khách hàng tham gia trò chơi phải trả phí nhắn tin từ 5.000 – 15.000 đồng/tin nhắn. Hiện tại các nhà mạng chỉ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, không phải kê khai nộp thuế TTĐB với các dịch vụ này, do quy định hiện hành chưa quy định. Vì vậy, để đảm bảo bình đẳng giữa các DN kinh doanh đặt cược khác, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung quy định nhóm dịch vụ này thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB và áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB như đối với kinh doanh đặt cược.
Tăng thuế với rượu, bia, thuốc lá
Với 2 mặt hàng hiện đang chịu thuế TTĐB là rượu và bia, Bộ Tài chính cho biết, sau khi tham gia WTO, thuế suất với bia chai giảm từ 75% xuống 45 - 50%. Chính sách này là nhằm hỗ trợ ngành bia, nhất là các cơ sở sản xuất bia nhỏ của địa phương tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh, qua đó góp phần tạo công ăn việc làm cho địa phương. Việc hạ thuế suất đối với mặt hàng bia đã làm tăng sức mua (tiêu thụ) đối với bia, rượu. Năm 2013, lượng rượu, bia tiêu thụ là 3 tỉ lít, lượng tiêu thụ này khiến Việt Nam trở thành "quán quân uống bia" ở khu vực ASEAN và thứ ba Châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản. Trong đó, bia và rượu trên 20 độ tăng thêm 15%, từ 50% lên 65%; còn rượu dưới 20 độ tăng 10%, từ 25% lên 35%. Với mức tăng thuế TTĐB của mặt hàng bia, dự kiến ngân sách nhà nước tăng 7.800 tỉ năm 2016 đến 2018 là 10.300 tỉ đồng.
Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB với thuốc lá để hạn chế tiêu dùng. Mức thuế suất Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm là 10% (từ 65% lên 75%) trên giá bán của đơn vị sản xuất và dự kiến tăng thêm 10% vào năm 2018. Với mức tăng như vậy, dự kiến tăng số thu ngân sách năm 2016 là 2.930 tỉ đồng, đến năm 2018 tăng thêm 7.700 tỉ đồng.
PGS-TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam: Tăng thuế TTĐB sẽ kích thích hàng lậu vào Việt Nam
Việt Nam đứng thứ 4 Châu Á về sử dụng bia chứ không phải như phía Bộ Tài chính nêu. Việt Nam đã hội nhập quốc tế, không chỉ tham gia WTO, mà sắp tới chúng ta gia nhập TPP, nếu chúng ta tăng thuế TTĐB những nhóm hàng đồ uống nêu trên thì thị trường trong nước sẽ bị DN nước ngoài thống trị, và sẽ tạo điều kiện cho hàng nhập lậu ồ ạt vào nhiều. Trước mắt, có thể Nhà nước thu được thêm thuế, nhưng lâu dài sẽ kích thích hàng lậu vào Việt Nam, bởi buôn lậu đối với những mặt hàng này là “siêu lợi nhuận”, mà điều kiện chống buôn lậu đối với mặt hàng này là hết sức khó khăn trong điều kiện của VN.
Hiện nay, tiêu thụ bia tính trên bình quân đầu người của nước ta chỉ ở mức trung bình trên thế giới, còn rượu thì ở mức thấp. Nếu tăng thuế TTĐB rượu lên cao thì rượu ngoại sẽ tràn vào thị trường nội địa theo đường nhập lậu, còn rượu quê sẽ càng có cơ hội phát triển, do lợi thế giá rẻ... và như thế thì Nhà nước vẫn thất thu. Việc tăng thuế, Nhà nước cần có các giải pháp tăng dần để phù hợp với hội nhập là cần thiết, nhưng cần phải có bước tăng hợp lý, dựa trên đánh giá, khảo sát một cách thực tế của thị trường và nhu cầu. Nếu tăng thuế một cách tùy tiện sẽ “giết chết” không chỉ một doanh nghiệp, một ngành sản xuất và dành lợi thế của thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Nguồn: laodong.com.v
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét