Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Bền bỉ, kiên trì đổi mới giáo dục, giữ trọn niềm tin của nhân dân

GD&TĐ - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết T.Ư 8 khóa XI, sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II năm học 2013 - 2014 do Bộ GD&ĐT tổ chức hôm nay (13/2)
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị 
Trước những ý kiến góp ý cho dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, dù những ý kiến đó trái chiều, thậm chí trái ngược, nhưng đều dựa trên một thực tiễn đúng.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Chủ trương của lãnh đạo Bộ là tất cả những quyết sách của Ngành sẽ được đưa ra thảo luận công khai trên phạm vi toàn xã hội nhằm thu hút được những ý tưởng, sáng kiến, nắm bắt những lo lắng, băn khoăn, khó khăn.
Làm như vậy để khi quyết định đưa ra sẽ sát với tình hình thực tiễn, có sự thống nhất cao trong quá trình chỉ đạo, triển khai sẽ thuận lợi. Kinh nghiệm của việc xây dựng Đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT đã khẳng định điều này.
Trong mấy tháng qua, Bộ GD&ĐT đã công bố rộng rãi Dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH. Bên cạnh những đóng góp tại Hội nghị, Bộ trưởng mong muốn sẽ tiếp tục nhận thêm những ý kiến tâm huyết.
Sau Hội nghị, lãnh đạo Bộ GD&ĐTsẽ tiếp thu các kênh thông tin, cân nhắc và sau đó tổng hợp báo cáo Chính phủ để có quyết định cuối cùng.
Một số lưu ý với bậc học mầm non và phổ thông
Nền giáo dục nước ta trải dài trên một vùng đất có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khác nhau, góc nhìn cũng khác nhau; thực tế va đập để từ đó các ý kiến cũng khác nhau. Đó là sự phong phú nhưng cũng phức tạp; lý thú cũng cũng rất khó khăn.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Bậc học mầm non, theo Bộ trưởng, dù đã có sự quan tâm nhưng thực trạng còn nhiều khó khăn, đặc biệt ở một số tỉnh vùng sâu, vùng xa, học sinh dân tộc thiểu số. Những cố gắng ưu tiên vừa qua vẫn chưa đủ.
Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh việc phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi cần đạt được một cách thực chất, chất lượng, không làm với bất cứ giá nào.
Với bậc học phổ thông, Bộ trưởng cho biết đã có một số đổi mới liên quan đến dạy học, kiểm tra đánh giá, thi cử, tổ chức quản lý. Riêng lĩnh vực quản lý, ngành Giáo dục đã tăng cường quản lý Nhà nước, đồng thời chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra.
Một số công việc không chờ đến khi ban hành Nghị quyết T.Ư 8 khóa XI mà đã được triển khai sớm như công nghệ giáo dục tiếng Việt lớp 1; mô hình trường học mới… Những việc này sẽ tiếp tục được nhân rộng, phát huy.
Liên quan đến công việc giáo viên phải làm như sổ sách, giấy tờ, thủ tục, quy định hành chính, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các Sở GD&ĐT. Trong đó lưu ý ứng dụng CNTT, cải cách hành chính để giảm gánh nặng không cần thiết trên vai các thầy - cô và những người làm công tác quản lý cơ sở.
Liên quan đến vấn đề quản lý Nhà nước, Bộ trưởng vui mừng cho biết các Sở GD&ĐT, không chỉ với mầm non, phổ thông mà cả bậc ĐH, CĐ và TCCN đều đang có chuyển động rất tốt, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… Còn một vài vướng mắc của  Nghị định 115, Bộ GĐ&ĐT phản ánh và Phó Thủ tướng đã nắm được, đồng thời dự kiến có cuộc làm việc về vấn đề này.
Soi chiếu đổi mới thi cử từ quan điểm phát triển toàn diện của Nghị quyết
“Lãnh đạo Bộ GD&ĐT thực sự cầu thị, tiếp thu, sẵn sàng từ bỏ ý kiến của mình nếu ý kiến khác tốt hơn, đúng hơn, hiệu quả hơn. Mong các đồng chí với tinh thần như vậy tiếp tục cùng nhau góp phần hoàn thiện phương án thi mới”

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Đi vào cụ thể, như số môn thi tự chọn. Ý kiến cho rằng để học sinh tự chọn môn thi các em sẽ chỉ học những môn mình định thi, từ đó không phát triển toàn diện, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, lo lắng này đúng. 
Nhưng, nếu để Bộ GD&ĐT hay Sở GD&ĐT chọn lại dẫn đến thực trạng, năm nay thi môn này, sang năm học sinh sẽ không học môn đó nữa, như thế thì vẫn là học lệch và thành trò chơi ú tim với học sinh.
Từ vấn đề này, Bộ trưởng nhấn mạnh đến quan niệm về phát triển toàn diện, về phát triển trí tuệ trong Nghị quyết 29 đã có sự thay đổi. 
Theo đó, học xong THCS là hoàn thành phông cơ bản. Trên nền tảng  đó, chúng ta coi trọng, khơi gợi, nuôi dưỡng những năng khiếu, thiên hướng. Do đó, bắt đầu từ THPT sẽ phân hóa cao, tự chọn.
Chính bởi vậy, ý kiến cho rằng, 2 môn tự chọn phải buộc chọn 1 môn tự nhiên, 1 môn xã hội - điều này còn tranh luận nhưng cần phải quán triệt Nghị quyết 29, sứ mạng của THPT tới đây không phải như cũ nữa – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tương tự, ý kiến cho rằng phân hóa cao phải đợi chương trình mới. Nếu nói như thế, Bộ trưởng cho rằng chúng ta sẽ để một bộ phận học sinh đang học chương trình cũ đứng ra ngoài công cuộc đổi mới. 
“Đảng, nhân dân không cho phép điều đó, các cháu phải được hưởng kết quả của đổi mới chứ không phải chỉ những học sinh học chương trình mới mới nâng cao chất lượng” – Bộ trưởng khẳng định.
Với môn thi Ngoại ngữ, một số ý kiến cho rằng không nên để môn học này là môn cộng điểm khuyến khích. Bộ trưởng bày tỏ sự chia sẻ với những góp ý này.
Bộ trưởng chia sẻ lý do vì sao dự thảo thi tốt nghiệp THPT đưa ra tỷ lệ 20% miễn thi: Nếu như một số ý kiến hôm nay tại Hội nghị, cần phải có tiêu chí cụ thể, chúng tôi cũng lo lắng chuyện “cần tiêu chuẩn gì có tiêu chuẩn ấy”. 
Để thấy rằng nếu cần tiêu chí chung thì rất dễ, nhưng để lấy trọn vẹn niềm tin của người dân thì cần phải bền bỉ, kiên trì. Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc thêm.
Để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo tinh thần mới, một số ý kiến lo lắng các thí sinh thi tự chọn vào 1 buổi dễ dẫn đến nhầm lẫn, theo Bộ trưởng, đây chỉ là vấn đề kỹ thuật. 
Với THPT là chuyện mới nhưng đã lại rất cũ với giáo dục ĐH. “Nếu triển khai sẽ tổ chức tập huấn, phần mềm tuyển sinh sẽ thay đổi để giảm thiểu nhầm lẫn” – Bộ trưởng khẳng định.
Như Thủ tướng đã chỉ đạo và Nghị quyết 29 cũng khẳng định: Đổi mới giáo dục là khâu đột phá. Câu hỏi đặt ra: Ai là người đổi mới quản lý? Bộ trưởng nhấn mạnh, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các Sở, các phòng GD&ĐT, lãnh đạo các trường phải đổi mới trước. 
Phải có ý thức sẵn sàng nhận việc khó về mình và dành phần thuận lợi cho học sinh. Nếu phải làm thêm một vài công việc để học sinh có điều kiện phát triển toàn diện, học tập có chất lượng, chúng ta phải sẵn sàng.
Bộ GD&ĐT đang khẩn trương triển khai công việc theo tinh thần Nghị quyết
Tại Hội nghị, Bộ trưởng đã thông báo một số nội dung về mặt hành chính.
Đó là việc ban hành Chương trình hành động Nghị quyết T.Ư 8 (khóa XI), trên nguyên tắc, sau khi Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, các bộ ngành mới ban hành Chương trình hành động của mình.
Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015 là một bộ phận của Đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD – ĐT, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện ngay sau khi hoàn thiện Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT. 
Bộ đang lấy ý kiến từ các chuyên gia, chờ một số thủ tục mới ban hành chính thức. Thời gian này, Bộ rất mong nhận được những ý kiến đóng góp sâu cho Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015.
Với đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Bộ trưởng cho biết hiện Bộ GD&ĐT đã dự thảo xong tờ trình để gửi lên Chính phủ, có báo cáo với Thủ tướng, Phó Thủ tướng xin ý kiến để hoàn thiện tờ trình. 
Các bước đang diễn ra theo kế hoạch, tin rằng giữa năm 2014 Quốc hội thảo luận và ra Nghị quyết mới thay cho Nghị quyết 40 thay chương trình, sách giáo khoa, lúc đó mới công bố chính thức.
Theo Bộ trưởng, Bộ GD&ĐT đang khẩn trương triển khai các công việc theo đúng tinh thần Nghị quyết T.Ư 8 (khóa XI) - Không chờ đợi, những vấn đề khi đã rõ, có kết luận thì khẩn trương tiến hành. 
Chiều nay (13/2), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã dành phần lớn thời gian quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI tới các lãnh đạo Sở GD&ĐT. 
Trong đó, đề cập đến thực trạng GD&ĐT với những thành tựu và hạn chế, yếu kém được nêu trong Nghị quyết; đặc biệt là những  định hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT…
Nguồn: http://gdtd.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét