Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Đảm bảo tính “vừa sức” trong dạy học

Thước đo hiệu quả tiết học là ở tính tích cực hoạt động của học sinhThước đo hiệu quả tiết học là ở tính tích cực hoạt động của học sinh
Không ít giáo viên hay phàn nàn, nào là học sinh lười học, nào là chương trình quá tải, bài này dài, bài kia khó dạy. Nhưng có những cái khó lại do chính người dạy gây nên đó là sự quá tải trong chuyển tải kiến thức, kỹ năng tới người học.
Hiểu đúng về “quá tải”
Có thể định nghĩa một cách trực diện: Quá tải là vượt quá khả năng, mức độ có thể tiếp nhận. Chương trình, sách giáo khoa tự thân nó không chứa đựng sự quá tải mà do người chịu trách nhiệm chuyển tải dung lượng kiến thức chứa đựng trong đó tới người học như thế nào. 
Trong chương trình phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành, việc phân phối thời lượng không phụ thuộc vào độ dài, ngắn của văn bản sách giáo khoa mà ở mức độ kiến thức, kỹ năng cần đạt được. 
Ví như một chiếc xe có trọng tải dưới 5 tấn nhưng người ta lại chất hàng hóa thoải mái vượt quá trọng tải đó thì ắt bị vi phạm quá tải, một bài học được quy định trong 2 tiết học, nếu GV dồn lại dạy trong một tiết sẽ dẫn đến quá tải. 
Ngay cả trong trường hợp bài học quy định trong 1 tiết mà GV lại dạy kéo dài tới 2 tiết dẫn tới sự tẻ nhạt, nhàm chán vẫn cũng bị coi là quá tải.
Cô Lê Thị Thúy - Giáo viên dạy Ngữ văn một trường trung học cơ sở ở Núi Thành (Quảng Nam) cho biết. Trong chương trình Ngữ văn lớp 9 có bài Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La-phông-ten được phân phối trong 2 tiết dạy. 
Nhiều GV cho rằng, đây là bài khó mặc dù phù hợp với tâm lý, lứa tuổi. Cô đã đi dự giờ dạy của 2 đồng nghiệp với cùng bài dạy này và đã thấy kết quả rất khác nhau.
Một người chỉ dạy trong vòng chưa đầy 45 phút đã hết nội dung của bài, sau khi giới thiệu về tiểu sử tác giả, xuất xứ bài học thì cứ quanh đi quẩn lại sa đà vào kể và thuyết giảng những chuyện ngụ ngôn có sói và cừu làm tiết học nặng nề, học sinh thiếu tập trung. 
Trong khi đó, một đồng nghiệp khác lại phân bố thời lượng hợp lý trong 2 tiết dạy với sự chọn lọc khá tinh tế để thu hút học sinh, giúp các em không chỉ hiểu được nét đặc sắc trong truyện thơ ngụ ngôn của La-phông-ten, trong phong cách khái quát, lập luận của nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng của Pháp Hi-pô-lít Ten - Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp-  mà còn tích hợp được cả kỹ năng kĩ năng lập luận và phân tích trong văn bản nghị luận. 
Như vậy, một giáo viên có thể thực hiện các hoạt động lên lớp trong một thời gian dài mà học sinh vẫn đủ khả năng để thẩm thấu kiến thức, ngược lại, có những giáo viên chỉ thực hiện các thao tác trong một thời gian ngắn vẫn làm cho học sinh có cảm giác mệt mỏi, quá sức. Từ đây, khái niệm về tính vừa sức (tránh quá tải) cũng cần được xem xét ở nhiều góc độ.
“Vừa sức” - dấu hiệu của thành công
Đa số giáo viên đều thừa nhận, khi nào họ gấp trang giáo án lại trước khi tiếng trống báo hiệu hết giờ học vang lên và bước ra khỏi lớp với một tâm thế nhẹ nhõm, thoải mái thì xem như đó là tiết học thành công. 
Tâm thế thoải mái từ người thầy trong phần lớn trường hợp lại do chính học sinh đem lại. Dấu hiệu thành công đầu tiên của một tiết học đó là số đông học sinh trong lớp đều muốn được tham gia như một chủ thể tích cực chứ không phải thụ động ngồi nghe GV giảng bài. 
Một khi các em cảm thấy mệt mỏi, “ngáp vặt”, thiếu tập trung, nói chuyện riêng trong giờ học thì giáo viên phải lập tức kiểm nghiệm lại ngay xem bài dạy đã vừa sức với các em hay không.
Cách đây 3 năm, Bộ GD&ĐT đã có chủ trương giảm tải chương trình sách giáo khoa phổ thông, theo đó, giảm tải sự trùng lặp ở nhiều môn học, cắt giảm nội dung giống nhau ở lớp dưới và lớp trên (do chưa lường hết hạn chế của cách xây dựng chương trình). 
Một lần nữa, khái niệm “giảm tải” được nhìn nhận ở góc độ khoa học, là dạy học phải phù hợp với khả năng của học sinh chứ không thể bắt buộc các em phải học một cách rập khuôn, máy móc. 
Giáo viên có thể linh hoạt trong điều chỉnh phân phối chương trình, tùy theo đối tượng chứ không gò bó. Một khi học sinh nắm được kiến thức cơ bản thì không dạy lại nữa, mà phải dạy lên cao hơn, phát triển thành kỹ năng. 
PGS.TS Vũ Nho nói: “Sức là một cái gì không tĩnh tại, được tạo ra và phát triển trong quá trình học tập của học sinh, luôn biến đổi theo chiều hướng gia tăng”. 
Như vậy, cùng tiếp cận một dung lượng kiến thức, đối với học sinh thuộc đối tượng A có thể “vừa sức” nhưng có khi đối với đối tượng B lại là quá tải. Không nên hiểu một cách sơ giản, phiến diện rằng, cái gì dễ đối với học sinh tức là không bị quá tải. 
Chẳng hạn, với bài tùy bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân, khi dạy ở chương trình Ngữ văn lớp 12, nếu giáo viên chỉ dừng lại ở việc khai thác từ ngữ chọn lọc, hình ảnh nhân cách hóa, bố cục mạch lạc, giọng văn uyển chuyển như với học sinh lớp 7 thì hoàn toàn không hiệu quả. 
Chỉ khi nào phương pháp giảng dạy của GV được nâng lên ở độ sáng tạo, khai thác sâu hơn tác phẩm để làm nổi bật nét huyền bí riêng biệt, hấp dẫn và độc đáo của cả thể loại tùy bút lẫn phong cách Nguyễn Tuân và vị trí Sông Đà thì khi ấy mới được gọi là dạy “vừa sức” đối với học sinh lớp 12. 
Có lần tôi nghe một giáo viên dạy Vật lý ở một trường THPT chuyên được điều chuyển về dạy ở một trường THPT bình thường than về việc anh luôn cảm thấy các tiết dạy trên lớp nhanh mệt hơn là so với đối tượng học sinh chuyên, mặc dù ở trường chuyên anh phải soạn bài vất vả hơn nhiều, khi lên lớp cũng phải làm nhiều thao tác hơn. 
Có những câu hỏi được coi là đơn giản với học sinh lớp chuyên thì dường như học sinh ở lớp bình thường lại không trả lời được. Sau này, anh mới ngộ ra, đó là hậu quả của sự “quá tải” do thói quen luôn mở rộng, đào sâu kiến thức khi dạy lớp chuyên.
Một tiết học chỉ đảm bảo tính vừa sức khi cả giáo viên và học sinh đều cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái, cùng tranh luận sôi nổi những tình huống có vấn đề. 
Một khi học sinh đến lớp luôn cảm thấy giờ học vừa với sức tiếp thu của mình thì không có lý gì các em lại chán học, bỏ học. Đổi mới phương pháp dạy học dù ở mức độ nào thì cũng không ngoài mục đích làm cho học sinh hứng thú học tập.
Nguồn: http://giaoducthoidai.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét