Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, giới trẻ đã dần
lãng quên các trò chơi dân gian mà thay vào đó là các trò chơi điện tử. Có nhiều
bạn vì ham mê trò chơi điện tử mà xao nhãng việc học tập, từ đó dẫn đến nhiều
sai lầm khác. Vậy tại sao trò chơi điện tử ( game) lại hấp dẫn các bạn trẻ, mặc
dù chúng thường dẫn đến những tác hại nghiệm trọng khi lạm dụng.
Trước hết, ta phải hiểu vì sao các bạn trẻ, đặc biệt là học
sinh sinh viên lại ham mê game đến như vậy? Chúng ta đều biết, thực chất game
không hề xấu. Con người phát minh ra trò chơi điện tử đầu tiên là để giải trí,
giải tỏa căng thẳng sau một ngày học tập và làm việc vất vả. Ngày nay, game được
phát triển ngày càng tiến bộ với hình ảnh sắc nét, âm thanh sống động, lối chơi
hấp dẫn. Không chỉ vậy, game ngày nay còn được phát hành với nhiều thể loại, từ
hành động, thể thao cho đến quản lí, đáp ứng được nhu cầu của mọi giới tính, lứa
tuổi.
Tuy nhiên, mọi thứ đều có hai mặt tốt và xấu nếu chúng ta
không biết tự kiềm chế. Hiện nay, nhiều học sinh, sinh viên ham mê trò chơi điện
tử quá mức đã dẫn đến rất nhiều điều đáng tiếc. Dễ thấy nhất là ham mê game sẽ
dẫn đến lãng phí thời gian. Bạn hãy thử tưởng tượng, nếu mỗi ngày bạn chỉ chơi
2 tiếng, thì mỗi năm bạn đã mất hơn một tháng vào việc chơi game. Trong khi đó,
thời gian đấy bạn có thể dành để làm nhiều việc bổ ích khác như đọc sách, chơi
một môn thể thao nào đó, hay đơn giản chỉ là giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà. Không chỉ vậy, tác hại thứ hai của trò
chơi điện tử là một số bạn sẵn sàng bỏ học để đi chơi điện tử dẫn đến học hành
sa sút, ảnh hưởng đến tương lai của chính các bạn. Bên cạnh đó, chơi game quá
nhiều còn dẫn đến các bệnh như cận thị,
đau lưng hay nặng hơn là thần kinh căng thẳng, rối loạn nhân cách,…. Qua đài,
báo chúng ta đã biết rất nhiều bạn vì chơi game mà quên cả ăn uống, một số bạn
đã phải nhập viện vì suy kiệt sức khỏe dù đang ở lứa tuổi “bẻ gẫy sừng trâu”. Hơn
thế nữa, ham mê game còn có thể khiến chúng ta suy giảm đạo đức, đánh mất nhân
cách. Một học sinh đang ngồi ghế nhà trường có thể lấy đâu ra tiền để có thể
ngày nào cũng chơi game hay nạp thẻ vào game. Điều đó dẫn đến ăn trộm tiền của
bố mẹ, rồi đến lấy tiền của bạn bè trong lớp, của những người xung quanh và làm
nhiều việc xấu khác để có được tiền.
Như vậy, ta có thể thấy, tác hại của trò chơi điện tử thật ghê
gớm nếu chúng ta quá sa đà, ta cần phải làm gì để ngăn chặn các tác hại của
game ? Trước hết, mỗi người cần phải hiểu rõ tác hại của game để phòng tránh
chúng. Chúng ta nên cố gắng chăm chỉ học hành, giúp đỡ bố mẹ việc nhà, quan tâm
đến mọi người xung quanh nhiều hơn, tham gia các hoạt động ngoại khóa, chơi một
môn thể thao nào đó mà mình yêu thích nhất để không nghĩ nhiều về chơi điện tử.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần chú ý, phát hiện kịp thời, xử lí đúng đắn với
các học sinh sinh viên có biểu hiện nghiện game, cũng như tổ chức thêm các hoạt
động ngoại khóa, thể thao. Xã hội cần nỗ lực tuyên truyền hơn nữa về các tác hại
của việc lạm dụng game để mọi người cùng biết. Đặc biệt, gia đình, nơi gần gũi
nhất với mỗi người cần quan tâm giáo dục, động viên và can thiệp đúng lúc để
con em mình không là con nghiện của trò chơi điện tử.
Nói tóm lại, tôi chỉ muốn gửi gắm một thông điệp nhỏ với các
bạn rằng: bản thân game không xấu, game giúp chúng ta giải tỏa những khi mệt mỏi,
căng thẳng nhưng mỗi người trong chúng ta cần phải xây dựng một thời gian biểu
hợp lí để không quá sa đà vào game. Ngoài game, còn có rất nhiều việc ý nghĩa đang
chờ chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét