QĐND - “Tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư còn thấp. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng chưa đạt yêu cầu”. Đó là đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ tám (tháng 10-2013). Tại kỳ họp Quốc hội lần này, vấn đế tái cơ cấu kinh tế cũng đang được các đại biểu “mổ xẻ”…
Thành công nhờ tái cơ cấu
Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được khởi động từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ ba (khóa XI - cuối năm 2011). Sau 2 năm thực hiện, đã thu được kết quả bước đầu khá quan trọng. Một số đề án trọng tâm tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 được phê duyệt tháng 3-2012; Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015 được phê duyệt tháng 7-2012; Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm được phê duyệt tháng 12-2012; Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế được phê duyệt tháng 2-2013; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được phê duyệt vào tháng 6-2013... Hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã xây dựng đề án tái cơ cấu của địa phương, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, chủ động cắt giảm đầu tư công, lựa chọn các dự án ưu tiên…
Qua khảo sát gần đây của chúng tôi tại một số doanh nghiệp quân đội và ngân hàng thương mại, sau khi tái cơ cấu đã đạt được những thành công đáng khích lệ. Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty 36, Tổng công ty 319, Tổng công ty 789… là những doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng đã mạnh dạn chuyển hướng đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hiện có, cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh, ưu tiên những ngành, nghề có thế mạnh. Nhờ vậy mà các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục phát triển trong bối cảnh có nhiều khó khăn.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) đã từng bước tái cấu trúc mô hình hoạt động, tổ chức sáp nhập một số bộ phận, chuyển đổi mô hình tăng trưởng… Chính vì các nguyên nhân này mà trong hai năm qua, hai ngân hàng này đã có những bước phát triển khá toàn diện, nợ xấu giảm đáng kể.
Từ một ngân hàng nhỏ và không mấy nổi danh, Ngân hàng Thương mại cổ phần Hà Nội - Sài Gòn (SHB) trong thời gian gần đây đã trở thành ngân hàng nhóm 1 (theo phân loại của Ngân hàng Nhà nước) sau khi sáp nhập Habubank vào SHB và tham gia tái cấu trúc thành công Bianfishco - công ty đứng trước nguy cơ phá sản…
![]() |
Nhờ thực hiện tái cơ cấu, Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng) đã phát triển bền vững trong năm 2013. Trong ảnh: Lực lượng thi công của Tổng công ty tại công trường xây dựng đường Đông Trường Sơn. Ảnh: Quang Thái
|
Ba lĩnh vực ưu tiên đều… chậm
Tại Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) xác định 3 lĩnh vực quan trọng nhất cần ưu tiên tái cơ cấu là: Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội thì cả ba lĩnh vực ưu tiên này đều triển khai chậm so với yêu cầu. Các giải pháp thực hiện vẫn mang tính hành chính và ở khung cơ chế, chưa có những thay đổi mang tính đột phá.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, tái cơ cấu đầu tư công thời gian qua, những dự án trọng điểm đã được ưu tiên, đầu tư xã hội cũng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đến nay Chính phủ vẫn chưa phê duyệt đề án toàn diện tái cơ cấu đầu tư công. Tái cơ cấu đầu tư công thực hiện theo Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, là giải pháp mang tính tình huống và ngắn hạn. Đáng chú ý là các dự án luật được cho là rất cần để hoàn thiện thể chế, nhất là Luật Đầu tư công, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII (tháng 10-2013) nhấn mạnh: “Việc triển khai thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa có tính chiến lược, còn rời rạc, chủ yếu là chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các doanh nghiệp nhà nước, chưa tạo ra động lực và áp lực để buộc các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp. Còn số lượng lớn doanh nghiệp nhà nước tác động đến tăng trưởng kinh tế hay tác động đến kinh tế vĩ mô cần phải kiên quyết, khẩn trương tiến hành tái cơ cấu. Việc chậm tiến hành tái cơ cấu, đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, tập trung vào ngành nghề sản xuất-kinh doanh chính đã làm kéo dài thời gian phục hồi của nền kinh tế, chậm thúc đẩy thị trường vốn phát triển, giảm niềm tin của các nhà đầu tư”.
Theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội, kết quả tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém vẫn chưa đáp ứng theo mục tiêu của Đề án tái cơ cấu là tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính, củng cố năng lực hoạt động của các ngân hàng thương mại, nâng cao trật tự kỷ cương và nguyên tắc thị trường hóa hoạt động ngân hàng. Việc xử lý nợ xấu mới ở giai đoạn đầu, mặc dù tốc độ tăng nợ xấu có dấu hiệu giảm, tuy nhiên chưa mang tính bền vững và những giải pháp vẫn chưa cho thấy góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cần sớm thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ
Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là chủ trương đúng đắn của Đảng ta. Đây là một quá trình lâu dài và phức tạp, lại diễn ra trong điều kiện kinh tế thế giới diễn biến khó lường, cùng với những tồn tại từ nhiều năm trước của nền kinh tế nước ta, vì vậy, theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế và các đại biểu Quốc hội, cần phải sớm thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ, nhưng các giải pháp đưa ra phải vừa xử lý các vấn đề trước mắt, vừa hướng đến các vấn đề cơ bản và dài hạn.
Trước hết, với tái cơ cấu đầu tư công nên bố trí đủ vốn, giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công để thanh toán nợ xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp, tạo tiền đề cho doanh nghiệp tái cơ cấu, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư công, có thể cân nhắc việc nâng bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu Chính phủ. Bên cạnh đó, có chính sách và biện pháp cụ thể nhằm tăng các nguồn vốn đầu tư khác như nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước bù đắp nguồn vốn đầu tư công giảm dần theo lộ trình.
Cần ưu tiên tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước bằng các biện pháp tài chính và cổ phần hóa. Đẩy nhanh hơn nữa công tác cổ phần hóa để huy động vốn của xã hội, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và có phương án sử dụng hợp lý nguồn vốn này. Xây dựng kế hoạch và lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất chính trong điều kiện thị trường không thuận lợi hiện nay, cân nhắc chấp nhận các khoản lỗ phát sinh.
Để các ngân hàng thương mại tự tái cơ cấu, cần tăng cường trích lập đủ dự phòng rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty mua bán nợ của các ngân hàng thương mại, tăng nhanh quy mô và năng lực tài chính thông qua tăng vốn để bảo đảm đủ mức vốn tự có theo tiêu chuẩn an toàn vốn. Tăng cường quản trị rủi ro và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của thanh tra, giám sát ngân hàng. Đồng thời, tăng cường minh bạch thông tin, nhất là công khai về xử lý nợ xấu.
Nguồn: http://www.qdnd.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét