(Chinhphu.vn) - Theo ông Nguyễn Dy Niên, bối cảnh tình hình thế giới rất phức tạp nhưng quan hệ của Việt Nam với các nước lớn, trong đó có Pháp rất sâu sắc.
![]() |
Ông Nguyễn Dy Niên. Ảnh: VGP/Kiều Liên |
Xuất phát điểm mới
“Tôi đánh giá rất cao chuyến thăm này vì diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế đan xen giữa hòa bình với xung đột ở một số khu vực, giữa phát triển bền vững và những vấn đề hiện nay thế giới đang đối mặt để xử lý”, ông Nguyễn Dy Niên nói với PV Báo điện tử Chính phủ.
Theo đó, chuyến thăm Pháp của Thủ tướng là bước ngoặt của quan hệ Việt Nam – Pháp hiện nay và trong tương lai, như một xuất phát điểm mới; là bước để tạo nên sự đột phá trong quan hệ Việt Nam với các nước châu Âu.
“Kết quả của chuyến thăm này sẽ lan tỏa sâu rộng ở châu Âu và châu Á. Vì lâu nay người ta thường nói quan hệ Việt Nam và Pháp là mối quan hệ mẫu mực giữa phương Đông và phương Tây. Khi mối quan hệ này ở tầm mức chiến lược sẽ có tác động sâu sắc không chỉ riêng với Việt Nam mà cả với khu vực và thế giới”.
Nhà ngoại giao kỳ cựu cũng bày tỏ ấn tượng với bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp. Trong đó, ông đặc biệt ấn tượng khi Thủ tướng nói về mối quan hệ hai nước Việt Nam – Pháp với hình ảnh “như con tầu đang căng buồm lướt sóng, dù phải trải qua nhiều bão tố, sóng gió, những thời khắc rất khó khăn, dù có chòng chành nhưng không bao giờ chìm đắm và luôn vững niềm tin rằng con tầu sẽ tới bến bờ của sự thành công". Điều đó chứng tỏ mối quan hệ ấy vẫn liên tục phát triển và bây giờ đã đến bến bờ của đối tác chiến lược.
Ông Nguyễn Dy Niên cho rằng đây là bài phát biểu đưa ra thông điệp Việt Nam muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước phát triển ở châu Âu và muốn tạo nên mô hình hợp tác giữa một nước đang phát triển, đang đi lên, đang đổi mới với các nước phát triển.
Đề cập đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp trong suốt 40 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, ông Nguyễn Dy Niên nói năm 2013, chúng ta kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với một số nước, nhưng với Pháp có những điểm rất riêng.
Nhớ lại không khí cách đây 40 năm, khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký ở Pháp (năm 1973), ông Nguyễn Dy Niên cho biết, lúc đó ở Paris “một rừng người, một rừng cờ hoa hoan nghênh kết quả của Hiệp định, đã đưa lại hòa bình thống nhất đất nước cho Việt Nam”. Không khí rất sôi động và nhiều người Pháp vẫn rất nhớ khoảnh khắc lịch sử đó.
Ngày hôm nay, 40 năm sau thời khắc ấy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Pháp và giới thiệu với những người bạn Pháp hình ảnh một nước Việt Nam mới, một Việt Nam đổi mới và phát triển không ngừng.
Theo ông Nguyễn Dy Niên, quan hệ hợp tác Việt-Pháp 40 năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại có nhiều ý nghĩa. Hai bên thể hiện thiện chí trong việc cùng nhau xây dựng mô hình hợp tác phát triển phù hợp giữa một nước phát triển và một nước đang phát triển. Đây là mô hình mà nhiều nước có thể học tập và rút được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là các nước châu Phi.
Thứ hai, trong quan hệ hợp tác với Pháp, một điều đặc biệt là Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác gắn bó, sâu sắc với Pháp về văn hóa trong suốt 40 năm qua và chắc chắn còn sâu sắc hơn nữa trong tương lai.
Ông Nguyễn Dy Niên nói 40 năm qua, chúng ta đã làm sâu đậm thêm hợp tác văn hóa, bên cạnh đó là hợp tác giáo dục, khoa học… Điều đó đem lại lợi ích cho Việt Nam và củng cố thêm mối quan hệ với Pháp. Vì suy cho cùng, mối quan hệ văn hóa là mối quan hệ hết sức bền vững.
Chuyến thăm Pháp của Thủ tướng cũng không ngoài mục đích tiếp tục xây dựng mối quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp hơn.
![]() |
Ông Trịnh Ngọc Thái. Ảnh: VGP/Kiều Liên |
Thông điệp về quyết tâm chiến lược
Chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khiến ông Trịnh Ngọc Thái, hiện là Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam và là nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp (nhiệm kỳ 1993 – 1997) nhớ lại chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Mitterrand hồi năm 1993.
Khi đó, ông Trịnh Ngọc Thái đã cùng với Đại sứ Pháp tại Việt Nam Claude Blanchemaison chuẩn bị rất kỹ cho chuyến đi này.
Ông Thái nhấn mạnh chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Pháp lần này có ý nghĩa lịch sử.
Trong 40 năm Việt Nam-Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao có hai mốc quan trọng. Năm 1993, tức là 20 năm sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, lần đầu tiên một Tổng thống Pháp sang thăm Việt Nam. Khi đó, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand và Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã thỏa thuận việc “khép lại quá khứ và nhìn về tương lai”. Chuyến thăm ấy tạo nên bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước.
Lần này là 40 năm sau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Cộng hòa Pháp, nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược, điều này mang ý nghĩa đột phá trong quan hệ hai nước.
Mối quan hệ hợp tác Việt-Pháp như hiện nay là điều tất yếu vì các điều kiện cho mối quan hệ ấy đã chín muồi chứ không phải tự nhiên mà có. Theo ông Trịnh Ngọc Thái, đó là cả quá trình hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực. Hai bên đã thống nhất và quyết tâm tăng cường mối quan hệ cả về chất và lượng. Về chất là trên cơ sở lòng tin chiến lược. Về lượng là việc mở rộng hợp tác ở những lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực đã có.
Về bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp, theo ông Trịnh Ngọc Thái, điều quan trọng là thông điệp về quyết tâm chiến lược của Việt Nam trong việc nâng cấp quan hệ hai nước, đồng thời trong đó đề cập tới sự hợp tác phi tập trung giữa Việt Nam và Pháp, nghĩa là quan hệ hợp tác giữa hai nước ở tầng nấc sâu sắc hơn giữa các cấp, các địa phương, đi sâu vào từng tầng lớp nhân dân.
Nguồn: http://baodientu.chinhphu.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét