Mọi người đi sau đều nhìn rõ cô gái trẻ tỏ ra bối rối ngoái đầu nhìn lại trong khi người thanh niên chở cô vội vã thắng xe.
Nhiều người đi xe phía sau làu bàu: đội mũ bảo hiểm mà
không cài quai thì đội làm gì... Sự bực dọc đó lây lan bởi không ít
người suýt nữa cán lên chiếc mũ, có người tránh chiếc mũ thì suýt va vào
xe người khác, có người phải thắng gấp để tránh chiếc xe tự dưng dừng
giữa đường, có người cằn nhằn thẳng với cô gái nhưng cũng có người chỉ
đưa ánh nhìn không mấy thân thiện với cô và người đi cùng...
Không ít người đi qua rồi vẫn quay lại nhìn cô gái với thái độ trách móc.
Chắc rằng cô gái kia chẳng lường trước được việc mình
không cài quai mũ lại gây nhiều phiền toái và tiềm tàng nhiều rủi ro đến
như vậy.
Biết đâu cô cũng đã nhiều lần không cài quai nhưng chưa
đến nỗi rơi mũ nên không “rút được kinh nghiệm” cho một tình huống khó
khăn, nào là suýt nữa gây tai nạn cho mình và cho người khác, nào là bị
người đi đường phiền hà đến độ muốn buông lời bất nhã.
Và chắc cô cũng không nghĩ rằng việc đó có thể gây nguy
hiểm cho mình hơn nếu rủi ro có tai nạn mà cái mũ không còn ở trên đầu
để bảo vệ...
Một chuyện nhỏ lúc đi đường có thể để lại nhiều bài
học, không chỉ cho người trong cuộc. Đội mũ bảo hiểm có chất lượng tốt
và được cài quai đúng cách, không nói chuyện điện thoại lúc đang chạy
xe, không dừng rẽ đột ngột mà phải có tín hiệu báo trước, không chạy sai
làn đường, không lạng lách, đánh võng, không dùng còi hơi có âm lượng
quá lớn, không tò mò dừng giữa đường để xem một cảnh gì đó vì có thể gây
ùn tắc giao thông, không “động thủ” khi lỡ có va quẹt, không hút thuốc
lá vì tàn thuốc có thể bay vào người khác... đó đều là những quy tắc cần
thiết để đảm bảo an toàn giao thông, không chỉ cho bản thân mà còn cho
nhiều người khác...
Thực hiện những điều đó còn để tránh bị cảnh sát giao
thông “tuýt còi” với những khoản phạt không nhỏ. Hiểu xa hơn một chút,
đó là văn hóa giao thông, tức là làm cho việc giao thông vừa an toàn vừa
có văn hóa, vừa góp phần giúp việc đi đường thuận lợi với tất cả mọi
người, tránh tai nạn và ùn tắc...
Trên hết, các hành vi, ứng xử đó tuy nhỏ nhưng là thái
độ tôn trọng lẫn nhau giữa những người đi đường. Xét cho cùng, người
biết tôn trọng người khác mới có thể mong người khác tôn trọng mình.
Nhưng trước hết, mỗi người nên tự tôn trọng mình, tự bảo vệ mình, chứ
đừng làm theo kiểu “đối phó” hoặc “mặc kệ”!
Nguồn: http://tuoitre.vn/
Nhận xét cá nhân : Bài viết cho thấy tác hại của việc không tuân thủ luật giao thông, tưởng như một việc rất nhỏ có thể ảnh hưởng to lớn đến mọi người xung quanh. Vì vậy , mỗi người khi tham gia giao thông cần phải tôn trọng, chấp hành luật, tạo một hình ảnh đẹp về giao thông Việt Nam trong mắt cộng đồng bạn bè quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét