Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Khi người nghĩa hiệp đứng ra can ngăn bị đánh chết

Vì thấy sự việc bất bình giữa đường, ông Phan Văn Tuấn (sinh năm 1964, thôn Hòa Mỹ, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) đang đi công chuyện riêng đã đứng ra can ngăn, nhưng đã bị nhóm côn đồ hành hung chết.
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết, 5 hung thủ tham gia vụ hành hung người nghĩa hiệp tối ngày 13.8 tại xã Minh Huệ (Phú Xuyên) đã bị bắt và chuyển lên Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội.

Điều còn lại ở gia đình, hàng xóm và chính quyền xã Minh Huệ là sự tiếc thương của đối với nạn nhân Phan Văn Tuấn - một công dân gương mẫu, yêu thương gia đình và chăm chỉ làm ăn.

Buổi tối định mệnh
Bên di ảnh của chồng và khói hương nghi ngút, bà Trần Thị Ti - vợ ông Tuấn - nghẹn ngào kể lại: “Tối 13.8, lúc 20h45 phút, hai vợ chồng đang ngồi ăn cơm thì có khách gọi lấy 28kg cá con làm thức ăn cho ba ba. Đang ăn dở bát cơm, ông Tuấn vội vã đi ngay vì không muốn khách chờ lâu.

Tới đường 429 đoạn thuộc địa bàn thôn Tân Độ (xã Hồng Minh), ông Tuấn nhìn và nghe thấy tiếng kêu cứu của 2 cô gái bị nhóm thanh niên đánh đập dã man. Đi qua được chừng 30m, ông Tuấn quay xe lại và dùng lời lẽ ôn tồn can ngăn.

Nhưng không ngờ, nhóm côn đồ đang hăng máy liền quay sang tấn công ông Tuấn. Bị đánh từ nhiều phía, xe đổ và đè vào chân khiến chồng tôi không di chuyển được, đành nằm tại chỗ chịu trận”.

Chúng chỉ bỏ đi sau khi đánh đập khiến ông Tuấn bất tỉnh tại chỗ. Được người dân  đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng ở vùng đầu và phổi, ông Tuấn đã tử vong sau đó vài giờ.
Ông Tuấn mất đi, để lại tổn thất lớn cho gia đình.

Trong sự tiếc thương về cái chết bất ngờ của ông Tuấn, anh Phan Trọng Toàn - con trai lớn của ông Tuấn - tâm sự: “Bố mẹ làm nghề bán cá vất vả lắm. Sáng dậy từ 2-3 giờ để vớt cá và đưa ra chợ cách đó 15-20km bán, tới quá trưa mới được ăn sáng.

Khi đủ hàng, bố phải chở tới 300kg cá và nước trong 2 thùng sau xe máy. Nặng quá và không quen xe. Tôi là thanh niên mà ngồi lên xe còn bị ''tùngbê'' và đi không nổi.

Bố đã đứng tuổi mà vẫn cố làm để nuôi 3 anh em tôi. Bố nói với tôi: Nghề này vất vả nhưng có công việc bền, con là đàn ông nên theo nghề để nuôi cho gia đình sau này.

Nặng nhọc và quá vất vả, tôi nói chọn việc sửa chữa xe máy. Nếu tôi theo nghề của bố, tối đó tôi đi chở cá thay bố thì sao nên nông nỗi này!”.

Theo anh Toàn, bố anh hay bị dị ứng khi thời tiết thay đổi. “Những hôm mưa gió bất thường, bố dính nước mưa là người bị mẩn đỏ và sưng rộp lên. Nhìn mặt bố đỏ rộp lên sau lớp áo mưa ướt sũng, người mệt lử sau buổi chở hàng mà thương quá” - Toàn nghẹn lời.

Chiếc xe của bố để lại cho Toàn.

Ông Tuấn có 3 người con. Phan Văn Toàn năm nay 28 tuổi, làm phụ sửa xe máy mấy năm qua. Anh Toàn vừa tách ra mở cửa hàng xe máy nhỏ tại xã kiếm sống. Hai người em tiếp sau cuộc sống cũng không dư dả gì với công việc chăm trẻ và lao động tự do.

Các con chưa ổn định công việc, thu nhập khiến ông Tuấn - lao động trụ cột trong gia đình - vẫn gắng sức làm thêm nghề vài năm để các con trưởng thành.

Bà Ti thường đưa hàng cùng chồng, nhưng tối đó do hàng không nhiều nên bà không đi. “Ngày thường, dậy sớm đã mệt. Nhưng những ngày đông giá, rét mướt, vợ chồng tôi vẫn phải đi bán cá cách nhà 15-20km. Nhiều hôm xe nổ lốp giữa đường, chồng dắt vợ đẩy xe. Tìm đến được chỗ vá thì cá đã chết hết. Có hôm ông ấy chở cá xuống tận Hà Nam bán, cả đi về mất gần 100.000 đồng tiền xăng mà ế nhiều, ông ấy buồn lắm nhưng không nói ra”.

Nhà làm nghề hơn 10 năm nhưng chỉ tạm đủ ăn. Nếu giàu có, mua ôtô thuê người chở hàng thì đâu đến nông nỗi này.

Bà Ti nói: “Hôm nào lãi nhiều thì được 300.000-400.000 đồng. Hôm ế hay cá chết thì phải bỏ, lỗ cả triệu bạc. Mấy hôm làm đám cho chồng, khách quen gọi tôi vẫn phải thuê người chờ cá. Cả chuyến lãi được 300.000 đồng thì người chở cá bị đổ xe. Cá rơi ra ngoài chết gần hết. Lỗ hơn 1 triệu bạc”.

Ông Phan Văn Mạnh- anh trai ông Tuấn- cho biết: Bố mẹ tôi sinh được 2 anh em. Vì khó khăn, chú Tuấn chỉ học hết lớp 5 rồi nghỉ đi làm thuê. Tuấn chăm chỉ lắm, không ham rượu chè. Lúc nào cũng chỉ làm việc, lấy vợ thì chăm lo cho gia đình. Vợ chồng chú không gây điều tiếng gì trong thôn xóm. Ngày cưới con trai mà Tuấn vẫn giản dị mặc chiếc áo cũ, mọi người nói mãi mới chịu thay chiếc áo mới.

Chú Tuấn mất đi đột ngột, là người là trụ cột trong nhà,  trong khi vợ sức yếu, các con thì mới lớn.
Không biết rồi gia đình sẽ ra sao! 

Người công dân tốt

Ông Đỗ Thành Tích, Chủ tịch UBND xã Hồng Minh, tâm sự: “Tối hôm đó, anh Tuấn không quay xe lại để can ngăn thì giữ được tính mạng. Nhưng nếu ai cũng làm như vậy thì xã hội làm sao có kỷ cương, an ninh trật tự và nền nếp? Ai cũng chỉ biết lo cho mình thì xã hội sẽ đi đến đâu? Trách nhiệm công dân và ý thức cộng đồng của anh Tuấn là điều đáng quý và khiến nhiều người phải học tập. Anh Tuấn mất đi, xã mất đi một công dân gương mẫu, gia đình mất đi người chồng, người cha tốt”.

Ông Đỗ Thành Tích - Chủ tịch UBND xã Hồng Minh.

Là người cùng địa phương, biết anh Tuấn từ hơn 30 năm nay, ông Tích vẫn thầm đánh giá cao anh Tuấn vì đức tính chăm chỉ hay làm. Dự định trong các hoạt động của UBND, MTTQ và Đảng ủy xã, ông Tích sẽ lồng ghép nội dung tuyên truyền tấm gương cao đẹp của công dân Phan Văn Tuấn.

Bà Đào Thị Hoa- 68 tuổi, cùng thôn Hòa Mỹ, nhận xét gia đình ông Tuấn luôn hòa thuận, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác khi có việc cần. Ông Tuấn được nhiều hàng xóm mến phục vì tính chăm chỉ, hiền lành. Bà Hoa nhớ lại: “Anh Tuấn đi ra ngõ gặp tôi là hay trêu: Cụ ơi cụ già nhất ngõ, cụ cố giữ sức khỏe cho chúng con được nhờ nhé. Ai ngờ, người trẻ lại ra đi trước người già!”.  

Bà Nguyễn Thị Doan - hàng xóm cũng là bạn hàng -  luyến tiếc: “Hơn 10 năm qua, vợ chồng anh Tuấn luôn giúp đỡ tôi nhiều. Anh chị tạm ứng 15-20 triệu đồng cho tôi mua cá giống, giúp tôi tiêu thụ đầu ra. Nhà tôi thiếu tiền cho các cháu ăn học, anh chị cũng luôn hào hiệp hỗ trợ. Anh Tuấn là người chăm chỉ và độ lượng. Nào ngờ những rủi ro lại đến với anh”.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm- trưởng thôn Hòa Mỹ, đánh giá: Gia đình anh Tuấn luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước. Dù làm nghề bán cá, nhưng gia đình luôn đảm bảo vệ sinh trong hoạt động không để ảnh hưởng thôn xóm. Đi sớm về khuya, giúp được ai điều gì là anh Tuấn không nề hà. Tấm gương người tốt - việc tốt của anh Tuấn xứng đáng được toàn xã hội tôn vinh là học tập.

Ngay trong ngày 14.8, Công an huyện Phú Xuyên đã bắt được 4/5 hung thủ gây án là: Trần Văn Năng (SN 1993), Đào Văn Tư (SN 1992) Trần Văn Chương (SN 1992) Đào Văn An (SN 1993)- đều trú tại các xã Phú Túc (Phú Xuyên). Riêng kẻ thứ năm là Trần Văn Đạt (SN 1988) bỏ trốn.

Tới ngày 16.8, Đạt được gia đình đưa ra đầu thú tại Công an huyện Phú Xuyên. Trong nhóm 5 hung thủ, đối tượng Năng còn đang được cho hưởng tại ngoại để chờ Tòa án Nhân dân huyện Phú Xuyên xét xử trong một vụ án khác liên quan tới tội cố ý gây thương tích.
Nguồn: http://laodong.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét