![]() |
(GD&TĐ) - Nghề giáo là một nghề đặc biệt, cũng là một loại hình lao động nhưng sản phẩm tạo ra là con người, công cụ lao động là nhân cách của chính mình - Dùng nhân cách để đào tạo nhân cách. Do đó đòi hỏi ở người giáo viên một phẩm chất đạo đức và năng lực rất cao.
Thời buổi nào cũng vậy, người thầy không chỉ mẫu mực về phẩm chất đạo đức, dồi dào về tâm huyết mà còn phải đầu tư nhiều thời gian, tốn nhiều công sức, không ngừng học tập, nghiên cứu để tự nâng mình lên thì mới đủ tầm đứng trên bục giảng.
Trong giai đoạn mới, chữ “Tâm” và “Trí” của nhà giáo cần phải được phát huy, giữ gìn, trau dồi và xây dựng trên cơ sở nhận thức đúng đắn trước những biến động ồ ạt của nền kinh tế thị trường. Phẩm chất và năng lực của người thầy là rất quan trọng trên con đường kiến tạo tương lai cho thế hệ mai sau.
Hơn nữa, thế kỷ XXI là thời đại của tri thức và khoa học công nghệ, làn sóng hội nhập và phát triển luôn vận hành như một con thoi không suốt. Chính vì lẽ đó, người thầy không thể không vận động nếu không muốn tự biến mình thành "thợ nói".
Năng động, sáng tạo, sử dụng thuần thục công nghệ thông tin để phục vụ công tác giảng dạy, có hiểu biết về một số lĩnh vực khác nhau, kết hợp khéo léo và linh hoạt các kỹ thuật và phương pháp dạy học hiệu quả, "lấy người học làm trung tâm"...
Người thầy không nên tự bằng lòng với những kiến thức đã có mà phải nâng cao, vươn xa hơn về nhận thức, tiếp cận tốt hơn với phương pháp giảng dạy tích cực. Hơn thế nữa, là những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng văn hoá, người thầy phải có đủ sức mạnh của ý chí, bản lĩnh và một bầu nhiệt huyết nóng để chống lại những biểu hiện lệch lạc trong ngành, trong xã hội.
Bởi lẽ, trong cuộc sống xô bồ như ngày nay, thực trạng xuống cấp của một bộ phận không nhỏ những người làm công tác giáo dục là một vấn nạn đáng bàn. Xã hội vẫn tôn vinh người thầy nhưng vẫn chưa thực sự yên tâm bởi cái "Tâm và Đức" ấy vẫn còn bị "biến dạng" theo kiểu "xin – cho", "mua – bán"... Có phải vì xã hội ngày nay cái gì cũng đem ra mua bán được ấy nên đạo đức cũng không là một phạm trù ngoại lệ chăng?
Cuộc sống luôn vận hành theo quy luật phát triển tự thân của nó cho nên có những điều ta không thể né tránh. Nhưng theo tôi dù thời thế có đổi thay đến đâu cũng không thể đánh mất những nét thuộc bản chất nghề nghiệp như: tính nhân văn, lòng vị tha, khiêm tốn… Rõ ràng nghề dạy học không phù hợp với những ai đặt đồng tiền lên trên hết, nó cũng không phải là nơi trú ngụ an lành cho những thói đời bon chen, nhỏ nhen, ích kỉ…
Thông điệp cuối cùng tôi muốn nhắn gởi đến tất cả mọi người, những người đã, đang và sẽ làm trong ngành giáo dục, dù đứng ở vị trí nào? Công tác ở đâu? Cho dù cuộc sống này còn nhiều mây đen, bão tố, theo dòng xoáy của cuộc đời con người có thể đổi thay nhưng ít ra mỗi người hãy ý thức được rằng, đằng sau những hoa trái ngọt lành luôn thấm đẫm những giọt mồ hôi của người “vun xới”.
Điều đó sẽ làm cho chúng ta yêu nghề hơn, mến trẻ hơn, thấy được sứ mệnh thiêng liêng và cao cả của mình hơn trên con đường kiến tạo tương lai.
Nguồn: http://www.gdtd.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét