Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Nghiên cứu mở mã ngành về xuất bản, in

Nghiên cứu mở mã ngành về xuất bản, in
GD&TĐ - Nghiên cứu mở mã ngành đào tạo, dạy nghề về xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm; mã ngạch lương với biên tập viên hoạt động trong lĩnh vực xuất bản.
Đây là một trong những nội dung của Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn 2030 mới được Thủ tướng phê duyệt.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm.

Quy hoạch cũng nêu rõ: Chỉ xem xét thành lập mới nhà xuất bản đối với ngành, lĩnh vực và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa có nhà xuất bản; hoàn thành rà soát, sắp xếp lại các nhà xuất bản vào năm 2015.

Không thành lập mới cơ sở in trong khu dân cư và thực hiện di dời các cơ sở in ra ngoài khu dân cư; có kế hoạch từng bước đưa các cơ sở in vào khu công nghiệp. Phấn đấu đến 2030, có từ 70 – 80% số cơ sở in sử dụng công nghệ, thiết bị in hiện đại, không còn cơ sở in đặt trong khu dân cư.

Nguồn: http://gdtd.vn/

Sinh viên thành bảo vệ ngày tết: chắt chiu vì xuân sau

TTO - Dẫu biết ý nghĩa của tết Việt nằm ở sự đoàn viên, song có những sinh viên chọn đón tết xa nhà, tranh thủ làm thêm để sau tết có khoản tiền trang trải học phí, sinh hoạt phí. 
Cái tết xa nhà của những người trẻ ấy thường thiếu nhiều hương vị đặc trưng, thao thức nỗi nhớ nhà, nhớ quê và thấm đượm sự san sẻ với nỗi lo toan tiền bạc của mẹ cha. Và tất nhiên, ở họ, vẫn luôn còn đó niềm hy vọng vào những xuân sau được quây quần bên gia đình khi những thiếu thốn, vất vả đã vơi dần.
Bạn Nguyễn Đức Minh (quê Tây Ninh, sinh viên năm 3 ĐH Kinh tế TP.HCM) làm bảo vệ đường hoa Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM). Như nhiều sinh viên làm thêm dịp tết, Minh sẽ dùng khoản thu nhập từ công việc này để trang trải các chi phí học tập, sinh hoạt - Ảnh: Hữu Khoa
Đổi bao nhớ thương, lấy chút an lòng sau tết
Quê ở tận huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa; gia cảnh lại khó khăn nên tết Giáp Ngọ này đã là cái tết thứ ba Lê Bá Hải - sinh viên năm cuối ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2 - ở lại TP.HCM đón tết. Những tết trước, Bá Hải làm nhân viên quét dọn tại công viên văn hóa Đầm Sen, làm nhân viên phục vụ nhà hàng..., còn tết này, Hải trực thường xuyên tại một khu vui chơi ở Q.7, TP.HCM.
Bá Hải nhẩm tính: "Nếu về tết, chỉ tiền tàu xe cho hai lượt đã mất khoảng 3,5 triệu đồng. Thôi thì ráng ở lại TP.HCM làm việc, kiếm ít tiền tự lo cho bản thân sau tết. Ngày tết, để bớt nhớ nhà, mình thường đăng ký tăng ca để đi làm từ sáng đến tối, về đến nhà là lăn ra ngủ. Có lần nhớ quá kỷ niệm ngồi canh nồi bánh chưng với ba, mình tự gói bánh chưng, dùng nồi cơm điện luộc, kết quả bánh nửa sống nửa chín ".
Ở quê xa, người mẹ nay ốm mai đau của Bá Hải vẫn thỉnh thoảng chia sẻ nỗi buồn khi ngày tết vắng con trai, không quên dặn dò con nhớ tự nấu nướng mấy ngày tết cho đàng hoàng. Như mọi năm, khi bạn bè của Bá Hải quay lại TP.HCM, mẹ sẽ nhờ mang cho Hải ít bánh chưng, bánh mật do mẹ làm. Điều an ủi mẹ một phần là em gái của Hải - vừa tốt nghiệp một trường cao đẳng tại TP.HCM - có thể về tết với gia đình bằng tấm vé mua bằng tiền để dành của Hải.
Bá Hải nói: "Mình con trai, có xa nhà dịp tết một chút cũng không sao, còn em gái thì nên cố gắng giúp em về quây quần với gia đình. Chỉ mong những tết năm sau khi việc học đã xong và có việc làm ổn định để cả nhà được đoàn tụ".
Giáp tết, trong khi bạn bè gói ghém đồ đạc về quê sum họp với gia đình thì Hoàng Văn Thông (sinh viên năm 3, ngành Quy hoạch, ĐH Kiến trúc Hà Nội) lại lỉnh kỉnh nghiên, mực, bút lông lang thang khắp phố phường bán chữ.
Với sinh viên và những người có hoàn cảnh khó khăn, Hoàng Văn Thông (sinh viên năm 3, ngành Quy hoạch, ĐH Kiến trúc Hà Nội) tặng chữ không lấy tiền. Số tiền chắt chiu từ việc bán chữ ngày xuân, Thông gửi tặng bố mẹ một phần, còn lại dùng trang trải cuộc sống - Ảnh Kiều Linh
Văn Thông sinh năm 1993, quê ở huyện Thanh Chương, Nghệ An. Gia cảnh nghèo khó, bố mẹ ở quê quanh năm lam lũ, chỉ trông vào mấy sào ruộng khô cằn nên từ ngày chân ướt chân ráo vào đại học, Thông đã đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thông đi khắp thành phố Hà Nội để bưng bê ở các quán cà phê, đi giao hàng… Năm nay, với số vốn 3 triệu đồng vay mượn từ bạn bè, Thông sắm đầy đủ cho mình một bộ bút lông, nghiên, mực để xuống phố bán chữ. Thông cho biết, trừ tiền mực, tiền giấy, nghiên… tiền lời mỗi chữ thu về cũng chưa đến 10.000đ.
Thông đi khắp nơi, khi ở phố Nguyễn Khuyến, lúc ở phố Văn Miếu đến tối mịt mới trở về phòng. Hỏi Thông khi nào về quê ăn tết, Thông ngậm ngùi: “Tranh thủ mấy ngày tết mình làm thêm kiếm chút tiền gửi về cho bố mẹ sắm tết. Tiết kiệm được thêm chút nào hay chút đó, chứ giờ vé tàu về tết rồi lại ra cũng mất gần 500.000đ. Tốn lắm!”.
Nếu giờ này con ở nhà...
Ngoài công việc bán hàng, phục vụ ăn uống...; nhiều sinh viên chọn công việc bảo vệ đường hoa Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM). Khung cảnh đường hoa rực rỡ, dòng người náo nức du xuân càng thêm khiến nhiều người trẻ xa quê khắc khoải mơ phút đoàn tụ.
Trong màu áo xanh của đội bảo vệ đường hoa, Trần Minh Thành - sinh viên năm 2 CĐ Du lịch Sài Gòn - chu đáo hướng dẫn khách tham quan đường hoa. Quê ở tỉnh Đồng Nai - cách TP.HCM chẳng bao xa - nhưng đây đã là tết thứ hai Minh Thành ở lại TP.HCM làm thêm. Khoản thù lao 25.000đ/giờ làm bảo vệ sẽ giúp Thành trang trải phần nào học phí, sinh hoạt phí sau tết.
Khu nhà trọ ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) nơi Thành trọ học đã vắng hoe bởi bạn bè hầu hết đã về tết. Cái tết của Thành sẽ trôi qua với thùng mì gói, ít bánh chưng, bánh tét mẹ cho và những cuộc điện thoại thăm hỏi người thân trong phút giao thừa. Minh Thành chia sẻ: "Nếu giờ này được ở nhà, mình sẽ dọn dẹp nhà cửa, trò chuyện với ba mẹ, anh em. Như thế đã là vui lắm!".
Trần Minh Thành (bìa phải) - sinh viên năm 2 CĐ Du lịch Sài Gòn, quê ở tỉnh Đồng Nai - hướng dẫn khách tham quan đường hoa Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM). Đây là năm thứ hai Minh Thành ở lại TP.HCM làm thêm dịp tết để có khoản tiền trang trải học phí, sinh hoạt phí - Ảnh: Hữu Khoa
Cô sinh viên nghèo Nguyễn Thị Quỳnh Trang (quê ở Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) - sinh viên ĐH Thương mại (Hà Nội) - cũng đã ba năm nay không đón tết bên gia đình. “Mình tranh thủ mấy ngày tết được nghỉ đi làm kiếm chút tiền gửi về cho mẹ và em ăn tết. Buổi sáng mình bưng bê ở nhà hàng, buổi tối lại đi phụ việc dọn nhà cho mọi người. Công việc vất vả hơn nhưng thu nhập cao hơn gấp ba ngày thường” - Trang nói.
Nhà Trang nghèo, bố mất sớm do tai nạn giao thông, còn lại bốn mẹ con, Trang là chị cả, dưới Trang còn ba em đang ở độ tuổi ăn học. Vừa đi học, Trang vừa kiếm tiền gửi về cho mẹ nuôi em. “Lúc đầu đón tết xa nhà, mình buồn lắm nhưng mãi cũng quen. Ngày bố còn sống, nhà mình đỡ vất vả. Nhớ lại những ngày cả nhà ngồi chờ đến giao thừa mà nhớ bố, nhớ mẹ và các mình quá. Nếu giờ này ở nhà, mình sẽ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa. Hôm qua mình vừa gọi điện thoại về nhà, các em cứ réo chị về mãi, khiến mình  ứa nước mắt. Mình mà về thì lấy đâu ra tiền mua quần áo mới cho các em…” - Quỳnh Trang rưng rưng.
Trong căn phòng trọ xập xệ, Trang cũng sắm tết cho mình: một chiếc bánh chưng, một gói mứt, vài lạng giò, thịt lợn…“Giao thừa năm nay, mình sẽ đi chùa và làm lễ để cầu may mắn, sức khỏe cho cả nhà” - Trang vừa nói vừa dọn phòng chuẩn bị đón tết.
Số sinh viên đăng ký làm tết tăng 20-25%
Anh Lê Xuân Dũng - phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM - cho biết: "Từ đầu tháng 12-2013 đến nay, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM đã giới thiệu hơn 4.500 đầu việc cho hơn 4.500 sinh viên, trong đó có gần 3.000 đầu việc làm xuyên suốt tết. Số đầu việc mùa tết này cao hơn mọi năm khoảng 20-25%. Việc số lượng sinh viên ở lại làm tết tăng so với mọi năm có thể do tình hình kinh tế khó khăn và các bạn trẻ mong muốn tranh thủ kiếm khoản tiền trang trải cho thời gian sau tết".
Những đầu việc tết được nhiều sinh viên chọn như nhân viên thu ngân, nhân viên phục vụ nhà hàng - quán cà phê, bảo vệ... với mức lương tính theo giờ dao động từ 15.000-35.000 đồng/giờ, hoặc tính theo tháng từ 1,8 - 2,8 triệu đồng/tháng.
Nguồn: http://tuoitre.vn/

2014, khó khăn còn nhiều hơn thuận lợi

2014, khó khăn còn nhiều hơn thuận lợi
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam
In

Theo cảm nhận của tôi, trong năm 2014 khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp vẫn nhiều hơn thuận lợi. Đồng thời nhóm các doanh nghiệp đã và đang sử dụng đòn bẩy tài chính cao hay thấp, mới thành lập hay tái hoạt động cũng có những khó khăn thách thức khác nhau. 

Tựu trung lại là doanh nhân còn không ít trăn trở, song tôi nghĩ những trăn trở này cũng có thể cải thiện được ngay trong năm nay.

Lâu nay nói về môi trường kinh tế vĩ mô, các yếu tố tốc độ tăng trưởng, lạm phát, chính sách tài khóa, tiền tệ… hay được nhắc đến. Còn những tiêu chí lượng hóa cho mô hình phát triển, năng lực cạnh tranh từng lĩnh vực ngành nghề, dòng vốn của xã hội… lại ít được đề cập. Nhưng bài học mới nhất về sụt giảm giá bất động sản và chứng khoán đã làm thiệt hại lớn cho nền kinh tế và nhiều doanh nghiệp thì lại xuất phát từ yếu tố đó.

Dòng vốn trong xã hội đã chảy về hai thị trường này một cách thái quá. Thử nhìn xem chúng ta đang có công cụ hữu hiệu nào có thể điều tiết chỉ số giá chứng khoán và bất động sản tránh khỏi vòng xoáy bong bong giá những năm tới đây? Đất nước càng khó khăn càng cần có tích lũy và đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Người dân chỉ tự nguyện bỏ tiền vào thị trường chứng khoán khi thấy được sự tăng trưởng ổn định. Có thể tăng chậm, tăng ít nhưng niềm tin của người dân sẽ tạo lên dòng vốn rất tốt cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thông qua thị trường chứng khoán. 

Mặt khác khi có sự trồi sụt quá lớn thì đa số sẽ không tham gia mà tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu cơ. Đầu cơ lớn sẽ kéo theo hệ lụy rủi ro cao và hút mất nguồn tín dụng đáng lẽ là của những hoạt động sản xuất kinh doanh khác.

Thị trường cũng vẫn là vấn đề khiến doanh nhân không ngừng. Doanh nghiệp đang và sẽ phát huy lợi thế thị trường tiêu thụ nội địa, với lợi thế là quốc gia có dân số đứng thứ 14 trên thế giới, cơ cấu trẻ, độ tuổi lao động chiếm tỷ trọng cao. Những nhu cầu tiêu dùng thiết yếu vẫn diễn ra hàng ngày bất luận tình hình kinh tế ra sao.

Vấn đề ở đây là các doanh nghiệp Việt cung ứng được bao nhiêu phần trăm trong tổng cầu ấy. Những năm qua có rất nhiều nỗ lực từ phía doanh nghiệp, nhưng đa số gục ngã trước các tập đoàn lớn trên thế giới. Bởi họ sẵn sàng lỗ kế hoạch trong một thời gian để các doanh nghiệp Việt không chịu được, tự rút lui. Họ sẵn sàng chi, lách luật chi cho tuyên truyền quảng cáo… nhiều hơn doanh nghiệp Việt rất nhiều để thương hiệu chiếm lĩnh thị trường. Từ đó có thể làm cho họ lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền để tăng giá, sinh lời.

Vì vậy, nếu chính sách vĩ mô của Việt Nam chỉ nhắm tới các cú hích từ ngân sách để tăng tổng cầu thì sẽ không hữu hiệu bằng các biện pháp có tính đồng bộ, như xem xét kỹ các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh để kịp thời xử lý. Hay không chỉ là vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” mà cần có quyết sách cụ thể, như Chính phủ ban hành danh mục các mặt hàng sản phẩm có thể nhập khẩu để số còn lại phải sử dụng “hàng Việt” khi dùng ngân sách…

Nhân dịp đầu năm mới, tôi xin chúc bạn đọc VnEconomy nói chung, đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói riêng sẽ chuẩn bị được thật nhiều điều tốt đẹp, cho mùa xuân sau.

* Tác giả là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam
Nguồn: http://doanhnhan.vneconomy.vn/

Theo chân những người “nhặt rác” đêm cuối năm

(Dân trí) – Những người “nhặt rác” thức trắng đêm để quét dọn, thu gom những gì người ta thải ra đường.

Đêm cuối năm, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc và trò chuyện với những chị công nhân thuộc Công ty TNHH MTV Công trình và Môi trường - Đô thị tỉnh Quảng Bình. Như thường lệ, cứ vào khoảng 1h sáng, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ thì các anh, chị lao công lại tỏa ra các tuyến phố thu dọn những rác thải, phế phẩm người ra vứt trên đường. Đến sáng sớm, khi xe thu gom rác đến chở tất cả ra bãi rác thì họ mới trở về nhà.
Chúng tôi gặp chị Bùi Thị Thanh đang thu gom rác thải trên đường Trần Hưng Đạo. Chị Thanh cho biết, cứ đến khoảng 1h sáng là chị lại tiếp tục công việc thường nhật. Cuối năm nên các chị cũng phải làm việc cật lực hơn do lượng rác thải rất nhiều. Các chị chia nhau đảm trách một số tuyến phố, đến trước giao thừa chị mới được nghỉ Tết.
Theo chân những người “nhặt rác” đêm cuối năm
Hàng ngày, sau những ca làm việc ở Công ty, chị Thanh còn tranh thủ nhận giữ trẻ để kiếm thêm thu nhập
Nhà chị Thanh ở xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch nên phải vào thành phố để thuê ở trọ. Hơn 10 năm theo nghề lao công, chị đã trải qua biết bao vất vả, hàng ngày hấp thụ bụi bẩn ô nhiễm. Thế nhưng, đồng lương công nhân của chị cũng chưa đủ trang trải cuộc sống gia đình và nuôi con. Hàng ngày, sau những ca làm việc ở Công ty, chị Thanh còn tranh thủ nhận giữ trẻ cho người ta để kiếm thêm thu nhập.
Chị Hoa, Đội trưởng Đội lao công cho biết, công việc của các chị hàng ngày rất vất vả, thường xuyên hít phải khói bụi ô nhiễm từ môi trường. Tuy nhiên, nguồn thu nhập từ lương cũng chưa đủ trang trải cho cuộc sống. “Thời buổi này cái gì cũng tăng giá, từ mớ rau cho đến các thứ khác phục vụ cuộc sống. Ấy thế nên nhiều người không sống nổi với đồng lương của mình, nhất là các chị có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Các chị cũng muốn chuyên tâm với công việc và nguyện gắn bó với nó nhưng cũng còn nhiều khó khăn”.
Chị Trang chia sẻ: “Mỗi ngày mình phải làm 2 ca, ca đêm từ 1h đêm cho đến khoảng 7h sáng, còn ban ngày thì làm việc vào buổi chiều. Cuối năm do lượng công việc nhiều nên chúng tôi cũng phải làm việc cật lực để kịp hoàn thành công việc trước thời khắc giao thừa…”
Do đặc thù công việc nên các chị không được nghỉ Tết sớm. Đó cũng là một thiệt thòi mà ít người hiểu và thông cảm được.
Một số hình ảnh do PV Dân trí ghi nhận vào rạng sáng ngày 30/1:  
Tập kết rác thải
Tập kết rác thải
Tập kết rác thải
Tập kết rác thải
Tập kết rác thải
Tập kết rác thải
Công việc của họ phải làm vào ban đêm vất vả, để sáng ra mọi người được đi trên tuyến phố sạch sẽ
Công việc của họ phải làm vào ban đêm vất vả, để sáng ra mọi người được đi trên tuyến phố sạch sẽ
Công việc của họ phải làm vào ban đêm vất vả, để sáng ra mọi người được đi trên tuyến phố sạch sẽ
Công việc của họ phải làm vào ban đêm vất vả, để sáng ra mọi người được đi trên tuyến phố sạch sẽ
 
Tại Huế, những công nhân vệ sinh môi trường rất khẩn trương khi lượng rác ngày 30 Tết tăng đột biến do nhà nhà đem rác đi đổ trước Tết (chứ 3 ngày tết ít đổ vì quan niệm hên xui “rác ra tiền ra”). Tại điểm đường Hai Bà Trưng, hàng chục công nhân vẫn toát mồ hôi với đống rác cao ngất. Tiếng hô hào kích thích tinh thần, từng nhịp cuốc, cào làm vơi dần rác trong từng phút.
 
Công nhân của Công ty TNHH NN MTV Môi trường và Công trình đô thị Huế tất bật dọn rác đêm Giao thừa
Công nhân của Công ty TNHH NN MTV Môi trường và Công trình đô thị Huế tất bật dọn rác đêm Giao thừa
Anh Nguyễn Chí Quang – Bí thư tỉnh đoàn TT-Huế đã gửi lời thăm động viên, chia sẻ nỗi cực nhọc các công nhân của Công ty TNHH NN MTV Môi trường và Công trình đô thị Huế đã luôn đề cao trách nhiệm, không quản ngại trong những ngày tết lễ để cho người dân đón Tết sạch, đẹp.
30 phần quà đã được trao với trị giá 500 ngàn đồng/suất. Theo kế hoạch, ngoài dọn rác xong trước Giao thừa, sau khi năm mới bắt đầu, các công nhân sẽ tiếp tục quét, thu dọn ở những điểm bắn pháo hoa trên TP Huế.
Công nhân của Công ty TNHH NN MTV Môi trường và Công trình đô thị Huế tất bật dọn rác đêm Giao thừa
Anh Nguyễn Chí Quang trao quà Tết cho các công nhân rác. Việc làm ý nghĩa của Tỉnh đoàn TT-Huế này đã có từ hơn 5 năm qua

 
Đại đức Thích Vân Pháp, Trụ trì chùa Từ Vân (Huế) trao quà cho công nhân
Đại đức Thích Vân Pháp, Trụ trì chùa Từ Vân (Huế) trao quà cho công nhân
Sau đó, công việc lại được tiến hành khẩn trương
Sau đó, công việc lại được tiến hành khẩn trương
Lực lượng được huy động đến điểm dọn rác
Lực lượng được huy động đến điểm dọn rác

Nguồn: http://dantri.com.vn/

Những chuyến xe vội vã chiều cuối năm

Khi ánh nắng cuối ngày đã tắt, nhà nhà đang chuẩn bị mâm cơm tất niên thì ở các bến xe vẫn còn những hành khách vội vã đến mua vé với hy vọng kịp trở về đoàn tụ cùng gia đình vào thời khắc giao thừa.

18h ngày cuối năm, bến xe Miền Đông bao trùm không khí đìu hiu, đối lập hẳn với cảnh chen chúc nhau đón xe về quê ăn Tết vài ngày trước đó. Các quầy bán vé chỉ còn lác đác người mua vé đi các tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng… Trên các băng ghế chờ cũng chỉ còn vài người ngồi đợi xe xuất bến. Một vài phụ xe của các chuyến đường dài hơn như Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Huế… vẫn kiên nhẫn ngồi chờ thêm vài hành khách để chạy chuyến cuối cùng.
ben-xe-1216-1391090957.jpg
Bến xe miền Đông vắng vẻ chiều cuối năm vì đa số người dân đã về quê ăn Tết. Ảnh: Hữu Nguyên
Thỉnh thoảng, vài người chạy vội vàng đến quầy bán vé để kịp bắt những chuyến xe cuối cùng trở về sum họp với gia đình. Nhân viên bán vé không quên kèm theo lời chúc mừng năm mới vì chỉ còn vài giờ nữa là đã đến giao thừa. Mỗi khi thấy bóng hành khách nào tiến vội đến, các phụ xe đều gọi với: "Về đâu chị ơi? Quảng Ngãi không? Xe sắp đủ chỗ rồi", giữa không khí đìu hiu của chiều cuối năm.
Lân la mời chào, Minh, phụ xe tuyến Quảng Ngãi cho biết, đây là thời điểm cánh xe đường dài "hốt cú chót". Hành khách cũng muốn kịp xe để về đón Tết, nhà xe cũng muốn đủ khách để chạy chuyến cuối nên phải cố gắng đợi.
“Dù trễ rồi nhưng vẫn phải ngồi chờ đến chiều tối mới có đủ khách để chạy chuyến cuối cùng trước khi nghỉ Tết”, Minh nói.
Ăn vội ổ bánh mì trước khi lên xe, vợ chồng anh Lê Minh Tâm quê Nghệ An cho hay, dù công việc thợ hồ đã xong cách nay hơn một tuần nhưng anh ráng ở lại kiếm việc làm thêm vì những ngày giáp tết được trả công khá cao.
“Gần Tết nhiều việc làm thêm lắm, tôi xin phụ giữ xe ở gần chợ, 10 ngày cũng kiếm được gần 2 triệu đồng, có thêm tiền mua áo quần cho con”, anh Tâm cười.
Chị Hiền vợ anh Tâm cho biết, hai vợ chồng cưới nhau được 5 năm đã có một cháu trai ở quê nhưng vì cuộc sống đành phải gửi con cho bà nội giữ để khăn gói vào Sài Gòn kiếm tiền. “Năm nào vợ chồng cũng tranh thủ kiếm việc làm thêm, để có thêm chút tiền mua quà cho con và bà nội”, chị Hiền đỡ lời chồng.
hanh-khach-9132-1391090958.jpg
Thỉnh thoảng chỉ còn vài người hối hả chạy đến mua vé để kịp chuyến xe cuối cùng. Ảnh: Hữu Nguyên
Cũng đang ngồi chờ xe xuất bến vì chưa đủ khách, Hằng (quê Khánh Hòa) - sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, thi xong được nghỉ Tết sớm nhưng cô ở lại kiếm việc làm thêm. “Bình thường phải xin thêm tiền nhà để đóng tiền trọ, tiền học nên tranh thủ thời gian rảnh em làm thêm kiếm tiền mua quà cho bố mẹ”, Hằng chia sẻ.
Cầm 2 tấm vé đi Hà Tĩnh, vợ chồng anh Lý vội vã vào khu vực xe đỗ. Anh Lý cho biết do làm nghề hớt tóc, những ngày cuối năm rất đông khách nên ráng ở lại làm, vợ làm công nhân ở khu chế xuất dù được nghỉ sớm hơn nhưng cũng ở lại phụ chồng để cùng về.
“Tôi thuê một mặt bằng nhỏ ở quận 4 mở tiệm hớt tóc được 2 năm rồi. Bình thường thì trừ tiền thuê ra, mỗi tháng cũng dư được vài triệu, đủ sống qua ngày và để dành một ít gửi về quê. Hai vợ chồng cũng muốn về quê sớm để đón giao thừa với gia đình nhưng cuối năm khách đông hơn nên ráng ở lại kiếm thêm, chứ một năm được mấy ngày này mà về thì uổng quá”, anh Lý tâm sự.
Đại diện bến xe Miền Đông cho hay, ngày 27, 28 và 29 là 3 ngày cao điểm hành khách về quê, mỗi ngày có khoảng 50.000 người qua bến. Vì bến xe có nhiều tuyến đường dài Bắc - Nam nên đến ngày 30 thì chỉ còn những người bận công việc hoặc chưa mua được vé đến bến.
Tương tự, tại bến xe Miền Tây chiều 30 Tết hành khách cũng thưa thớt hẳn so với mấy ngày trước. Theo lãnh đạo bến, trong các ngày cao điểm 28-29 tháng Chạp mỗi ngày có khoảng 50.000 - 53.000 lượt khách qua bến nhưng sau đó giảm dần. Đến chiều 30 Tết, chỉ còn lác đác vài người ngồi chờ những chuyến xe cuối.
Đường phố đã lên đèn, những giây phút cuối cùng của năm cũ trôi dần, nhưng thỉnh thoảng vẫn có một vài hành khách trên tay xách theo hành lý cùng quà Tết hối hả đến bến cho kịp chuyến xe cuối năm với hy vọng kịp đoàn tụ với người thân trong thời khắc giao thừa.
Nguồn: http://vnexpress.net/

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Bánh mứt kẹo vắng khách, quà tết độc lạ đắt hàng

Thị trường bánh mứt kẹo vắng khách. Ảnh chụp sáng 29 Tết tại một cửa hàng bánh mứt kẹo trên phố Tuệ Tĩnh (HN). Ảnh: Lan Hương.
Sáng ngày 29 Tết, theo khảo sát của pv báo Lao Động tại Hà Nội, thị trường bánh mứt kẹo những ngày giáp Tết không có nhiều biến động, sức mua yếu.  Trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều món quà Tết tiền triệu, độc và lạ được nhiều người tiêu dùng quan tâm.
    Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các gia đình đã mua sắm Tết khá đầy đủ nên nên giá cả các mặt hàng bánh mứt kẹo không tăng. Hộp mứt Tết của Cty CP bánh mứt kẹo Hà Nội có giá 50.000 đồng/hộp. Sản phẩm mứt Tết của Cty CP thực phẩm Hữu Nghị là 50.000 – 55.000 đồng. Giá mứt dừa 50.000 đồng/lạng. 
    Chị Ngọc (Bà Triệu, HN) cho biết “Tôi không tin tưởng lắm vào chất lượng các sản phẩm mứt dừa bán ngoài chợ nên đã chọn mua mứt dừa tự làm của một người quen. Mứt dừa tự làm ăn giòn, ngon mà không có chất bảo quản”. Hiện tại một số người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm mứt dừa, mứt bí, hạt hướng dương tự làm từ những người quen để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
    Hộp mứt Tết của Cty CP thực phẩm Hữu Nghị có giá khoảng 50.000 – 55.000 đồng/hộ. Ảnh: Lan Hương.
    Ngoài ra, các giỏ quà Tết với đủ chủng loại và mẫu mã phong phú được bày bán nhiều tại các cửa hàng bánh mứt kẹo, siêu thị và trung tâm thương mại. Giá của các giỏ quà Tết chia làm 3 phân khúc chính. Giỏ quà trung bình giá từ 300.000 – 800.000 đồng. Các mặt hàng đóng gói trong đó chủ yếu là sản phẩm nội địa. Giỏ quà Tết có giá từ 800.000 – 2.000.000 đồng thường bao gồm cả rượu ngoại và một số loại bánh kẹo nhập khẩu. 
    Các giỏ quà Tết cao cấp có giá trên 2 triệu chủ yếu là  bánh kẹo, rượu, cà phê ngoại. Có những đại lý quảng cáo giỏ hàng cao cấp bày bán được nhập khẩu và đóng gói nguyên giỏ từ Mỹ. Tại một số cửa hàng bán lẻ và siêu thị cung cấp dịch vụ cho phép khách hàng thoải mái lựa chọn sản phẩm sau đó siêu thị sẽ gói quà tại chỗ.
    Giỏ quà rau sạch
    Thay vì rượu, bánh, mứt, kẹo, dịp Tết năm nay các cơ sở kinh doanh rau sạch tung ra thị trường các giỏ quà hoàn toàn bằng rau, củ, quả sạch 100%. Yêu cầu của sản phẩm là mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt. Chị Hà, nhân viên tại Cty chuyên kinh doanh nông sản sạch vuonrau.com cho biết: “Toàn bộ rau, củ, quả được chuyển từ Đà Lạt ra Hà Nội. Phí vận chuyển là 8000 đồng/kg. 
    Khách hàng có thể lựa chọn các giỏ quà có sẵn hoặc tự chọn loại rau củ mình thích và cửa hàng sẽ đóng gói, thắt nơ và chuyển đến tận nhà”. Một giỏ quà gồm cà ngọt, su su, dâu tây, khoai tây, cần tây, ớt chuông đỏ, súp lơ xanh, xà lách được bán với giá 261.000 đồng. Ngoài ra, khách hàng có thể lựa chọn Bộ cây gia vị gồm cây hương thảo, ngò lá xoăn, quê tây, oregano, xạ hương với giá 450.000 đồng.
    Tặng cây tiền để năm mới đẻ ra tiền
    Ngoài các giỏ quà đựng bánh, kẹo, rượu, trà thông thường, năm mới các mặt hàng Tết mới lạ, độc đáo. Cặp bưởi hồ lô in dòng chữ “Tài, Lộc” được không ít người tiêu dùng lựa chọn để bày trên bàn thờ ngày Tết hoặc mua làm quà biếu người thân, bạn bè. Chị Phương Thảo (Hà Nội) cho biết: “Người Việt có niềm tin Tết đến mà tặng chữ Tài, Lộc thì cả năm sẽ may mắn, phát tài, phát lộc.
    Càng ngày phú quý sinh lễ nghĩa, nếu chỉ đem tặng gói quà rượu bia thì thường quá nên năm nay tôi mua cặp bưởi Tài Lộc để biếu người thân”. Đây là giống Bưởi Năm Roi không hạt nổi tiếng bởi vị ngon ngọt. Bưởi được tạo hình công phu và đặc biệt trên quả này còn có chữ Tài hoặc chữ Lộc thể hiện ước muốn phát tài phát lộc đầu năm may mắn. 
    Giá bưởi hồ lô tài lộc từ 1.200.000 – 2.500.000 đồng/cặp tùy vào trọng lượng và độ sắc nét của chữ “Tài, Lộc” trên quả bưởi. Một cặp bưởi được coi là đẹp khi vỏ bưởi tươi xanh, còn nguyên cuống và ít nhất bốn lá tươi. Cao cấp hơn là loại dưa hấu thỏi vàng tài lộc thư pháp với giá 5.500.000 đồng/cặp và Dưa hấu tài lộc thư pháp có giá 4.000.000 đồng/cặp.
    Nhanh nhạy trong việc nắm bắt tâm lý người dân trong dịp năm mới thích “tiền, tài, lộc”, nên nhiều cơ sở tung ra thị trường các kiểu dáng mẫu mã cây tiền thật với lời quảng cáo tặng cây tiền để năm mới đẻ ra tiền. Sản phẩm này mới xuất hiện trên thị trường thời gian gần đây.
    Cây lộc tiền được làm thủ công với phần tán lá xòe ra kết bằng tiền thật với các mệnh giá 500 đồng, 1000 đồng, 5000 đồng, 10.000 đồng. Giá của mỗi cây lộc tài khoảng từ 550.000 đồng – 1.600.000/cây tùy vào mệnh giá tiền được sử dụng. Đặc biệt hơn, cơ sở sản xuất Cây lộc tiền của bà Mỳ ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, HN nhận đặt làm cây tiền âm phủ. 
    Loại cây tiền này được kết theo nhiều hình dáng, kích cỡ như hình bông sen, hình tháp…Giá của các cây tiền âm phủ 5 tầng hay 7 tầng vào khoảng 100.000 – 150.000 đồng. Cửa hàng của bà Mỳ còn quảng cáo là nhận đặt làm cây tiền âm phủ theo yêu cầu, các loại hình dáng từ đến tròn, đế vuông, đế lục lăng…
    Nguồn: http://laodong.com.vn/

    Tản bộ đường đèn trong ngày Tết

    Những khi Tết đến, thú vui dạo quanh các con đường hoa vốn dĩ không xa lạ với người dân các thành phố lớn.
    Trong các mùa xuân gần đây, những con đường đèn lung linh ánh sáng đã làm đa dạng thêm hương vị du xuân đó.
    Đối với người dân và khách du lịch tại các thành phố như Đà Nẵng, Tam Kỳ, Cần Thơ, khi cùng người thân, bạn bè tản bộ dưới giàn đèn lung linh do nhãn hàng bia Larue thực hiện trang trí, mỗi người sẽ tìm được cho mình cảm giác bình yên, thân thiết, thắt chặt tình thân, tình bằng hữu, cùng nhau đón một năm mới an khang, hạnh phúc.
    Tại Đà Nẵng, đường Lê Duẩn được thắp sáng bởi hàng triệu bóng đèn, trải dài tới chân cầu Sông Hàn. Nhãn hàng bia Larue đồng thời trang trí đèn trên đường Phan Châu Trinh (Tam Kỳ) và Trần Văn Khéo (Cần Thơ).
    Hệ thống đèn LED với ba tông màu chủ đạo của bia Larue trắng, xanh, vàng và mang nhiều ý nghĩahướng đến dịp xuân về
    Trong tiết trời se lạnh, những khoảnh khắc tản bộ dưới ánh đèn lung linh mang đến những cảm xúc ấm áp, khiến mọi người xích lại gần nhau hơn
    Con đường đèn cũng là nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh
    Tản bộ phố xuân dần trở thành một thú vui của các bạn trẻ
    Bên cạnh những biểu tượng thân quen của mùa xuân như chim én, pháo hoa, ý tưởng thiết kế của dàn đèn còn thể hiện nét nam tính của phái mạnh cùng niềm vui hội ngộ với các bằng hữu
    Nguồn: http://www.tienphong.vn/

    “Điểm vàng” của giáo dục đại học năm 2013

    GIÁO DỤC

    Thứ Tư, 29/1/2014 18:01 GMT+7

    “Điểm vàng” của giáo dục đại học năm 2013

    “Điểm vàng” của giáo dục đại học năm 2013
    GD&TĐ - Năm 2013 là một năm giáo dục đại học Việt Nam có không ít thay đổi để chuyển mình theo xu hướng phát triển tất yếu của giáo dục hiện đại.
    Trả liên thông về giá trị thựcNgày 7/2/2013, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH được áp dụng. Quy định mới về đào tạo liên thông CĐ, ĐH quy định thí sinh đã có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ từ 3 năm (36 tháng) trở lên sẽ dự thi 3 môn (môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành, hoặc thực hành nghề) do cơ sở giáo dục ĐH tự ra đề thi và xác định điểm trúng tuyển. 
    Sinh viên liên thông hệ chính quy sẽ học chung, thi hết môn và thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ luận văn tốt nghiệp, đồ án tốt nghiệp cùng với sinh viên hệ chính quy.
    Bên cạnh đó, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng việc hệ liên thông chính quy thi chung, xét tuyển chung và đào tạo chung với ĐH, CĐ chính quy đối với thí sinh muốn học liên thông chính quy mà thời gian tốt nghiệp trình độ đào tạo trước đó chưa đủ 36 tháng.
    Quy định mới này đã gây nên một cuộc tranh luận khá dữ dội trên các phương tiện thông tin đại chúng, với không ít ý kiến phản đối. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã kiên quyết giữ nguyên quan điểm, với mục tiêu lớn nhất – như lãnh đạo Bộ khẳng định – là “trả liên thông chính quy về giá trị thực chất”.
    Bỏ chương trình khung giáo dục ĐHĐó là sự thay đổi lớn trong chương trình đào tạo ĐH, CĐ được quy định trong thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đào tạo ĐH, CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ được Bộ GD&ĐT ban hành. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/2/2013.

    Trước đây, chương trình giáo dục ĐH phải được các trường xây dựng dựa trên chương trình khung do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành. Với tinh thần của thông tư mới, hiệu trưởng có quyền ban hành chương trình thực hiện trong trường mình.

    57 ngành không được đào tạo tiến sĩ

    Ngày 19/3, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) Bùi Anh Tuấn cho biết, Bộ chính thức thu hồi quyết định đào tạo tiến sĩ 57 chuyên ngành thuộc 27 trường ĐH, viện, học viện.

    Đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa ra hình thức xử lý kiên quyết với hàng loạt chuyên ngành đào tạo tiến sĩ của các cơ sở giáo dục, trong đó có những viện, trường ĐH lớn, đầu ngành. Thu hồi quyết định đào tạo là hình thức xử lý cao hơn hẳn việc đình chỉ tuyển sinh.

    PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho biết:  "Bộ GD&ĐT hi vọng đây sẽ là “cú hích” đối với các trường trong chấn chỉnh hoạt động đào tạo. Bộ thay đổi cách thức quản lý cũng chỉ mong muốn nhìn thấy được sự chuyển động tích cực của các trường"

    Không lâu trước đó Bộ GD&ĐT cũng dừng tuyển sinh 161 chương trình thạc sĩ.  Việc dừng tuyển sinh và thu hồi quyết định cho phép đào tạo đối với các chuyên ngành sau ĐH thể hiện sự kiên quyết của Bộ GD&ĐT trong việc thực hiện các quy định về mở ngành, chuyên ngành và giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo.

    Các nhà khoa học ĐHQGHN công bố kết quả nghiên cứu trên Tạp chí số một của thế giới – Nature

    Tháng 9/2013, tạp chí khoa học hàng đầu thế giới Nature đã công bố kết quả nghiên cứu xuất sắc của nhóm nghiên cứu của GS Phạm Hùng Việt - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia HN (hợp tác với trường ĐH Columbia, Hoa Kỳ) về cơ chế làm chậm sự ô nhiễm asen trong nước ngầm.

    Mỗi năm, Nature nhận được hơn 10.000 bài gửi đến, nhưng chỉ có 8% trong số đó lọt qua được vòng bình duyệt và được công bố. Các công trình khoa học công bố trên tạp chí này đạt trình độ nghiên cứu cơ bản xuất sắc, có tính đột phá, có ảnh hưởng lớn không chỉ đối với cộng đồng khoa học và mà còn cả xã hội. 

    Trong 10 năm qua, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Việt Nam mới chỉ có khoảng 5 công trình (thực hiện tại Việt Nam) được đăng trên Nature.
    PGS Phạm Văn Cương trúng tuyển hiệu trưởng ĐH Hải Phòng

    Giữa tháng 9/2013, vượt qua ba đối thủ nặng kí đều đang đương nhiệm là Hiệu phó trường Đại học Hải Phòng, PGS.TS.NGƯT Phạm Văn Cương đã trúng tuyển Hiệu trưởng Đại học Hải Phòng.

    Tham dự kỳ thi tuyển chức danh Hiệu trưởng có 4 ứng viên đủ tiêu chuẩn đăng ký dự thi gồm: PGS. TS Phạm Văn Cương - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hàng hải Việt Nam và 3 Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng là TS Bùi Đình Hưng, TS Nguyễn Thị Hiên và TS Đoàn Quang Mạnh.

    Các ứng viên phải tham gia các nội dung thi như xây dựng và bảo vệ đề án công tác, ngoại ngữ. Kết quả, PGS.TS Phạm Văn Cương đã trúng tuyển với số điểm cao nhất.

    Đây là lần đầu tiên Hải Phòng tổ chức công khai việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo một đơn vị thuộc diện Thành ủy quản lý và cũng là trường đại học đầu tiên trong cả nước thực hiện thi tuyển chức danh hiệu trưởng.

    Chính thức “mở cửa” tuyển sinh riêng

    Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013. Trong năm 2013, Bộ GD&ĐT đã bước đầu triển khai các nội dung của Luật Giáo dục Đại học. Trong đó, gây tranh cãi nhất là quyền tự chủ tuyển sinh của các trường.

    Ngày 12/12/2013, Bộ GD&ĐT lần đầu tiên công bố dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) từ năm 2014, trong đó quy định cụ thể những tiêu chí, điều kiện để các trường tự thực hiện việc tuyển sinh cho riêng mình.

    Ngay từ khi ra đời cũng như sau khi được chỉnh sửa, bản dự thảo này đã gây ra khá nhiều tranh cãi, thậm chí vấp phải sự phản đối từ không ít trường đại học NCL. 

    Mặc dù vậy, bản dự thảo này đã đánh dấu việc Bộ GD-ĐT có văn bản chính thức “trao” quyền tự chủ tuyển sinh về cho các trường chứ không chỉ là “nói suông” như trước đó.
    Nguồn: http://gdtd.vn/

    Thắt lòng cảnh cha mẹ phải xa con, "bám" phố ngày Tết

    (Dân trí) - Đâu chỉ những người con xa phương mới vắng nhà ngày xuân, không ít ông bố bà mẹ từ các tỉnh đổ về TPHCM mưu sinh cũng phải nén tiếng thở dài khi Tết này chẳng thể về sum vầy cùng con cái.

    Cha con một nơi, mẹ một nơi
    29 Tết, chị Lê Ngọc Hồng, quê Hải Dương, bán rau thịt trong một con hẻm ở đường Phan Đăng Lưu (Q. Bình Thạnh, TPHCM) vẫn tất bật với công việc hàng ngày. Từ đầu tháng, đã nhiều người hỏi thăm chị về ăn Tết không. Và câu trả lời vẫn là cái lắc đầu quen thuộc như bao năm qua.
    Ai biết chuyện cũng ngán ngại cho chị. Người phụ nữ trong gia đình gần 15 năm xa nhà kiếm sống, quãng thời gian đó chỉ 3 cái Tết chị sum vầy cùng chồng con.
    Thêm một cái Tết, chị Hồng không thể sum họp cùng gia đình.
    Thêm một cái Tết, chị Hồng không thể sum họp cùng gia đình.
    Ngày chị lên xe vào Nam, cô con gái đầu còn vẫy cánh tay bé xíu tiễn mẹ. Giờ cháu đã lập gia đình sắp sinh em bé. “Lúc đó tôi sẽ về quê chăm cháu một hai tuần. Về ngày thường chi phí rẻ hơn”, chị nói.
    Từ lâu, anh Nguyễn Ngọc Thái (quê ở Quảng Ngãi) đã dự định Tết này cùng cực thế nào cũng sẽ về quê chứ anh nhà biền biệt 3 năm. Nhưng rồi đến cuối năm xem lại, nợ vẫn còn đó, nhà cửa năm rồi hư hỏng vì bão lũ cũng chưa sử được, tiền chi tiêu còn không có, đường nào để anh về quê?
    Người cha lại động viên 4 đứa con: “Ngày Tết bán đắt hàng, cha ở lại kiếm thêm, năm sau cha về”. Trong khi, 50 tờ vé số của anh vẫn còn dầy tay do cuối năm thành phố đã vắng người, ít khách mua. Ở thành phố, anh đã làm đủ công việc như chạy xem ôm, bốc vác và mới đây chuyển sang bán vé số.
    Thêm một cái Tết, chị Hồng không thể sum họp cùng gia đình.
    29 Tết, nhiều người lao động từ các tỉnh xa đến TPHCM vẫn tất bật với công việc mưu sinh. Chuyến về quê sum vầy với gia đình với nhiều người là ước mơ không dễ thực hiện
    Giữa cuộc sống bộn bề khó khăn, bên cạnh những người con xa phương vắng nhà ngày xuân, không ít ông bố bà mẹ xa nhà mưu sinh cũng nén tiếng thở dài. Áp lực tiền bạc một chuyến về quê ngày Tết đã buộc họ đánh đổi khát khao sum vầy cùng gia đình.
    “Tình cảm không thể đong đếm nhưng mình nghèo thì phải cân nhắc”, chị Trần Thị Bình, quê ở Vĩnh Phúc, thu mua ve chai cho hay. Chị về Tết, sẽ mất đứt gần 4 triệu tiền xe, chưa kể tiền chi tiêu, quà cáp. Chị tính toán, dành gửi tiền về còn lo được bao nhiêu việc.
     
    Tết không gia đình
    Không thể có niềm vui sum họp gia đình nên với những ông bố bà mẹ “bám” phố, Tết là một dịp tranh thủ kiếm thêm đồng ra đồng vào hoặc đơn thuần là một vài ngày nghỉ sau cả năm tất bật.
    Một mình xoay xở với xe hủ tiếu ở gần chợ Bà Chiểu khi đêm đã khuya, anh Nguyễn Đức Trọng (quê ở Quảng Nam) cho biết, nhiều năm nay anh không về quê dịp Tết mà ở lại bán hàng. Đàn ông một thân một mình, với anh không có khái niệm Tết. Đêm giao thừa, anh chuẩn bị chai rượu rủ mấy người cùng cảnh ngộ ngồi nhâm nhi.
    “Mới đầu mình xa nhà, con còn hỏi năm nay cha về không, giờ chúng đã quen Tết vắng cha rồi. Bao năm rồi không còn nhìn thấy cảnh chuẩn bị Tết của gia đình nữa. Tôi chỉ nghỉ bán mùng Một, sang ngày Hai bán lại, mở hàng sớm còn gặp người này người nọ kiếm niềm vui”, anh Trọng tâm tư.
    “Hồng ơi, mày đón Tết thế nào?”, nghe bác khách quen hỏi thăm chị Hồng vừa nhặt rau củ cho khách, cười đáp: “Như mọi năm đến trưa 30 con nghỉ bán, rang ít lạng thịt rồi cắm cơm ăn, loay hoay trong phòng cho hết ngày mùng 3 để đi bán lại. Mình không người thân quen, chẳng có chỗ nào để đến và cũng chẳng ai đến chỗ mình”.
    Rồi chị khoe vừa được bà chủ nhà trọ cho cái tivi cũ, năm nay sẽ chị đón giao thừa qua vô tuyến. “Mẹ quen Tết thành phố, cha con quen Tết vắng mẹ mà chẳng thể nào hết buồn được”, bà mẹ của ba đứa con trầm ngâm.
    Thêm một cái Tết, chị Hồng không thể sum họp cùng gia đình.
    Không người thân quen, Tết của những người lao động "bám" phố sơ sài, đơn giản và cồn cào trong nỗi nhớ gia đình. 
    Tết của chị Bình đông đúc hơn khi chị thuê căn phòng nhỏ ở gần bưu điện Ngã Tư Ga (Q.12) cùng 6 người phụ nữ khác. Chỉ hai người trong số đó về quê và vẫn mang theo nỗi lo ra Tết sẽ đói dài.
    Những người ở lại cũng hùn tiền chuẩn bị ít đồ ăn, kẹo bánh cho có không khí và để an ủi lấy nhau. Mọi năm ngồi bên nhau vào giờ khắc cuối năm mà lòng ai cũng để đâu đâu, người nào cũng sợ người khác thấy mình đang rơi nước mắt. Họ có chung nỗi lòng nhớ nhà quay quắt cũng như trăn trở, con cái thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ rồi đây sẽ ra sao.  
    Ngày Tết với họ cũng qua mau thôi. Ngay đêm mùng Một các chị đã sửa soạn đi thu gom ve chai ở các nhà hàng rồi lại quay cuồng với nỗi lo mưu sinh.
    Nguồn: http://dantri.com.vn/

    Tết 3 miền có gì khác biệt

    Nếu hoa đào, bánh chưng được xem là sứ giả mùa xuân miền Bắc thì phương Nam đón Tết với mai vàng, bánh tét; miền Trung ăn bánh rò, bánh thuẫn...
    phongtuc3-9054-1390880538.jpg
    Nguồn: http://doisong.vnexpress.net/

    Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

    Trí tuệ Việt “đấm chuông” xứ người

    Giám đốc trẻ Hồ Vĩnh Hoàng và ngôi sao ca nhạc người Canada Justin Bieber tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng lớn nhất thế giới (CES) 2012 và nhảy cùng robot của Công ty TOSYGiám đốc trẻ Hồ Vĩnh Hoàng và ngôi sao ca nhạc người Canada Justin Bieber tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng lớn nhất thế giới (CES) 2012 và nhảy cùng robot của Công ty TOSY
    TP - Họ - những anh chàng, cô nàng 9X, Y2k - đang học tập, nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới, đã và đang mang trí tuệ Việt “thi đấu” ở nhiều lĩnh vực khác nhau, và được tôn vinh xứng đáng trong một năm thành công vang dội.
    Vinh danh trên đất khách
    Năm 2013 đánh dấu những thành công đáng nể của thế hệ trẻ Việt Nam trên trường quốc tế. Ở “mặt trận” công nghệ cao, người ta nhắc nhiều đến cái tên Hồ Vĩnh Hoàng - Giám đốc Công ty Cổ phần Robot TOSY, một trong 10 cá nhân được nhận giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2012”, do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.
    Sinh năm 1981, Hồ Vĩnh Hoàng thành lập Công ty TOSY năm 2004, chuyên nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm đồ chơi công nghệ cao, robot và đồ điện tử. Sau những năm miệt mài sáng tạo, chàng trai “nói ít làm nhiều” ấy đã cho ra đời những sản phẩm “made in Việt Nam”, mà sau này được anh nhiều lần mang đi “đấm xứ người” tại các triển lãm công nghệ lớn khắp nơi trên thế giới.
    Đó là những mRobo (được bình chọn là sản phẩm tốt nhất tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng Mỹ - CES – 2012); DiscoRobo (sản phẩm hay nhất tại Triển lãm New York Toy Fair 2012); SketRobo (Đồ chơi công nghệ cao nổi bật nhất và Top products tại triển lãm New York Toy Fair 2012, do Mashable bình chọn); đĩa bay TOSY (Đồ chơi tốt nhất 2011 do Tạp chí Good Housekeeping Magazine bầu chọn…).
    Những chú robot độc đáo, biết nhảy theo nhạc của “Hoàng TOSY” nay đã được xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia, sau khi nhiều lần vượt năm châu bốn bể dự những triển lãm công nghệ quốc tế. Dù ở CES 2012, 2013 (tại Las Vegas, Mỹ), hay Automatica 2009 (Đức), triển lãm robot IREX 2007 (Nhật Bản), cũng như hàng loạt triển lãm về đồ chơi lớn tại Đức, Mỹ, Hong Kong, Brazil…, robot biết nhảy đến từ Việt Nam đều làm người tiêu dùng nể phục. Dấu ấn công nghệ của người Việt Nam có lẽ bắt đầu từ những sản phẩm cụ thể như vậy.
    Giọng hát của Dương Thùy Linh không chỉ mang về cho cô những giải thưởng mà còn làm bạn bè quốc tế biết đến văn hóa, trí tuệ người Việt
    Trên lĩnh vực âm nhạc, Dương Thùy Linh (sinh năm 1988), đã ghi điểm trong năm qua khi giành 15 cup từ các cuộc thi ở Nhật Bản. Cô gái trẻ là cựu học sinh THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa này, đang theo học thạc sĩ chuyên ngành Văn hóa giáo dục tại Đại học Saga, Nhật Bản.
    Không chỉ học giỏi (điểm tổng kết đạt 3.6/4.0), những giải nhất cuộc thi hát Muhou matsu (Kita kyusyu), giải nhất cuộc thi hát Imari (Saga), Chung kết cuộc thi tiếng hát do Đài truyền hình NHK tổ chức, giải nhì cuộc thi hát Misora Hibari (Nagasaki).... đã khiến cô “nổi như cồn” tại “làng” du học sinh Việt Nam, cũng như trong mắt nhiều bạn trẻ Nhật.
    Trong danh sách du học sinh xuất sắc được vinh danh xứ khách năm qua, còn có Bùi Hữu Hậu (23 tuổi, sinh viên năm 4, Đại học Công nghệ Hóa - Luyện kim Sofia, Bulgaria). Được cấp học bổng du học, sau 3 năm ở “xứ sở hoa hồng”, Hậu được Bộ trưởng Giáo dục Bulgaria trao danh hiệu “Sinh viên nước ngoài giỏi nhất Bulgaria”.
    Hậu còn hai lần “rinh” Huy chương Bạc Olympic Toán sinh viên tại Bulgaria năm 2011, 2012, cũng như đạt điểm thi tối đa các môn học và nhận nhiều nguồn học bổng của châu Âu.
    Nữ sinh Việt Nam Lê Ngọc Tường Vân (giữa) trong ngày tốt nghiệp phổ thông cùng bạn bè ở Mỹ
    Ở Mỹ, Lê Ngọc Tường Vân (sinh viên Đại học Harvard) một lần nữa khẳng định “thương hiệu Việt” khi liên tục nhận bằng khen của Tổng thống Mỹ. Du học từ khi lớp 6, lên cấp ba, cô được nhận 3 bằng khen của Tổng thống Barack Obama và thống đốc bang Florida, vì có thành tích học tập đặc biệt xuất sắc. Nữ sinh Việt này cũng được Tổng thống Obama khen ngợi về thành tích hoạt động từ thiện, khi đang học lớp 12 ở Mỹ.
    Điểm SAT đạt 2.310/2.400, TOEFL 118/120, tốt nghiệp phổ thông với điểm tổng kết cao ngất ngưởng (3,93/4,0), bảng thành tích ấn tượng giúp Vân được 7 trường đại học danh giá như Harvard, Yale, Stanford... “săn đón” cấp học bổng. Và, cô đã chọn Đại học Harvard lừng danh để viết tiếp câu chuyện thành tích đặc biệt xuất sắc của mình.
    Cũng thành công khi “mang chuông đi đấm xứ người”, năm qua, Dương Thị Bích Thủy (sinh viên Đại học Sư phạm Quốc gia Tula - Nga) giành giải nhất tuyệt đối Olympic Toán do Đại học tổng hợp Quốc gia Tula tổ chức.
    Tháng 6/2013, cô gái 22 tuổi lại xuất sắc vượt qua đại diện của 406 đại học và cao đẳng tại Nga để mang về Huy chương bạc cuộc thi Toán quốc tế mở rộng trên Internet. Đến tháng 9 vừa qua, Thủy tiếp tục là đại diện của… trường đại học Nga, tham dự cuộc thi Olympic toán trên Internet dành cho sinh viên quốc tế, tổ chức ở Israel.
    Trong bảng thành tích của Thủy còn có giải đặc biệt “Nữ sinh Olympic thông minh” do Viện giám sát chất lượng giáo dục Nga trao tặng. Thủy cũng vinh dự được nhận bằng khen của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam ở Liên bang Nga, của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại Tula và được đề cử Học bổng của Tổng thống Nga.
    Trí tuệ chất lượng cao
    Nhìn lại một năm lao động, học tập vất vả, còn rất nhiều những tấm gương người trẻ Việt thành công trong “thế giới phẳng”, được vinh danh trên đất khách.
    Họ - với nguồn trí tuệ chất lượng cao mang thương hiệu Việt - đã đại diện cho các trường mình đang theo học ở nước ngoài, tham dự những cuộc thi mà quy mô vượt qua biên giới của một quốc gia.
    Ấn tượng hơn, trong những lần “thi thố” trí tuệ đó, những chàng trai, cô gái mang quốc tịch Việt Nam đều giành được những thành tích mà “người khác phải ngước nhìn”.
    Đến từ Việt Nam, mang trong mình trí tuệ Việt Nam, những bước chân của họ gắn liền sự nỗ lực vươn lên không mệt mỏi, để rồi bạn bè khắp năm châu phải trầm trồ khi hỏi “bạn từ đâu đến?”.
    Trả lời câu hỏi ấy, tất nhiên, những chàng trai như Ngô Di Lân (19 tuổi, sinh ra ở Việt Nam, lớn lên tại Anh, học cấp ba ở Thụy Điển và đại học tại Hà Lan, người liên tiếp nhận giải nhất tại Hội thảo mô hình Liên Hợp Quốc 2013, giải thí sinh xuất sắc nhất tại mô hình Hội nghị thượng đỉnh Đông Á do Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức, Á quân giải hùng biện Novice Leiden Open...), sẽ tự tin nói rằng: “Tôi từ Việt Nam đến”.
    Hay cô nàng Nguyễn Ngọc Minh (19 tuổi, sinh viên trường Mount Holyoke College, Mỹ), người được trao chứng nhận về thành tích học tập xuất sắc từ chương trình Giải thưởng Giáo dục của Tổng thống Mỹ, sẽ tự hào khi là người Việt được nhận giải thưởng của tổ Toán kết hợp tổ Khoa học, trao cho nghiên cứu về “phản ứng của cá killifish và cá tuế với các môi trường sống nước lợ”.
    Ngọc Minh cũng từng làm phiên dịch viên cho Liên hiệp thể thao dưới nước Việt Nam từ năm 2011, làm việc tại phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Công nghệ sinh học Việt Nam (IBT) năm 2012.
    Những chú robot nhảy theo nhạc “tung hoành” ở những triển lãm công nghệ hàng đầu thế giới, những anh chàng người Việt liên tiếp “ẵm” nhiều giải “xuyên quốc gia” ở Hà Lan; hay nhiều cô nàng “dáng đứng Việt Nam” đang học ở Mỹ, Nga, Bulgaria, Nhật Bản… vẫn ngày đêm “mang chuông trí tuệ đấm xứ người”.
    Những người trẻ ấy, bằng thành tích đáng nể, đã không chỉ biến mình thành “công dân thế giới”, mà còn là “hướng dẫn viên” giới thiệu hiệu quả nhất trí tuệ Việt Nam trên bản đồ thế giới hôm nay.
    Nguồn: http://www.tienphong.vn/