Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Bớt dần phụ thuộc kinh tế Trung Quốc

Lời tòa soạn: Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc dù là đôi bên cùng có lợi song chúng ta phải làm nhiều cách để tránh sự phụ thuộc hoàn toàn và bất cân xứng, gây hại cho sự phát triển về lâu dài.

Bài 1: Từ chối dự án kém
Việt Nam đang mong muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), kể cả Trung Quốc, nhưng phải là dự án tốt ở những ngành công nghệ cao, công nghệ sạch.
Ông Mai Thanh Hải - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Cáp điện VinaDaesung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài - cho rằng trước hết cần phải sửa Luật Đấu thầu theo hướng loại bỏ những gói thầu chất lượng tồi, không làm lợi, thậm chí gây tổn hại đến kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Vốn nhiều nhưng tỉ lệ nội địa hóa 0%!
Số liệu thống kê cho thấy tính đến hết năm 2013, Trung Quốc có 977 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng số vốn đăng ký lũy kế đạt gần 7 tỉ USD, đứng thứ 9/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Đáng chú ý, riêng năm 2013, vốn đầu tư FDI của Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, đạt 2,3 tỉ USD, chiếm 16% tổng FDI của Việt Nam. Hoạt động FDI cũng gia tăng thông qua việc Trung Quốc đứng thứ 3 trong số 50 quốc gia và khu vực có dự án đầu tư cấp phép mới vào Việt Nam.
Hiện nay, đại đa số dự án lớn của Việt Nam do Trung Quốc thắng thầu, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng như: Dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, dự án đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng, dự án Đường 5, dự án Đường sắt trên không Cát Linh - Hà Đông…
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu cơ khí - Bộ Công Thương vừa công bố, Việt Nam hiện có 20 dự án năng lượng, trong đó 15 dự án do tổng thầu Trung Quốc thực hiện với tỉ lệ nội địa hóa là… 0%. Trong đó, có những công trình lớn DN Trung Quốc trúng thầu, như: Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Duyên Hải 1…
Đường sắt trên không Cát Linh - Hà Đông, một trong những dự án lớn của nước ta mà Trung Quốc thắng thầu Ảnh: THẾ KHA
Đường sắt trên không Cát Linh - Hà Đông, một trong những dự án lớn của nước ta mà Trung Quốc thắng thầu Ảnh: THẾ KHA
Nguyên nhân Trung Quốc trúng thầu lớn ở Việt Nam được giới chuyên gia chỉ ra là do giá bỏ thầu rất thấp; trang thiết bị, công nghệ cạnh tranh rất lớn về giá. Trong khi đó, nhiều địa phương ham thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm nên sẵn sàng gật đầu với những gói thầu giá rẻ mà không thực sự quan tâm đến chất lượng.
Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cao cấp - cho rằng Trung Quốc chỉ là một trong số những nước đầu tư vào Việt Nam loại khá, chưa bao giờ vươn lên tốp đầu… nên mức độ ảnh hưởng không quá lớn. Thực tế, Việt Nam vẫn thu hút được những nhà thầu chất lượng tốt từ Nhật Bản, châu Âu…
Chất lượng nhà thầu Trung Quốc thấp
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng thẳng thắn nhìn nhận các gói thầu của Trung Quốc thường có chất lượng kém, sử dụng công nghệ lạc hậu, thường hay bị đội giá do nhiều phát sinh trong quá trình thực hiện, nhiều dự án chậm tiến độ. “Các dự án thắng thầu của Trung Quốc cũng là nguyên nhân gây thâm hụt thương mại khiến Việt Nam nhập siêu từ nước này cao qua nhiều năm” - ông Thắng nêu.
Theo TS Lê Đăng Doanh, việc Trung Quốc tìm đến Việt Nam đầu tư khiến nền kinh tế trong nước không được hưởng lợi nhiều mà ngược lại còn bị lợi dụng.
Ông Mai Thanh Hải cho rằng với công nghệ không tiên tiến, dây chuyền máy móc chỉ cạnh tranh ở giá rẻ mà không đạt chất lượng nên chúng hư hỏng nhiều sau thời gian ngắn sử dụng dẫn đến nhiều hoạt động bị ngừng trệ, chi phí sửa chữa rất tốn kém.
“Vấn đề ô nhiễm môi trường do công nghệ không tốt cũng là điều đáng lo ngại. Chưa kể đến việc Trung Quốc có thể lấy cớ đầu tư để di dân sang nước bản địa, không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều nước khác ở châu Phi, Lào, Campuchia, một phần nước Nga… Thực tế, có những dự án của Trung Quốc kéo theo hàng ngàn chuyên gia trình độ thấp đến Việt Nam làm việc gây nguy cơ bất ổn và không tạo được công ăn việc làm cho người Việt. Chúng ta phải thận trọng lựa chọn các dự án đầu tư, không nên chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt mà cần tính đến lâu dài khi sàng lọc, lựa chọn” - ông Hải khuyến cáo.
Ông Mai Thanh Hải cho biết ông luôn chọn mua máy móc, thiết bị công nghệ cao từ thị trường Âu, Mỹ, Nhật Bản với giá đắt nhưng bền, không phải sửa chữa. “Như vậy, mức đầu tư không cao hơn so với nhập thiết bị rẻ song thường xuyên gặp sự cố. Do đó, DN nên quan tâm đến việc đánh giá chất lượng thiết bị thay vì ưu tiên nhập công nghệ rẻ từ Trung Quốc” - ông Hải khuyên.
Tự lực thì mới tự cường
Ở góc nhìn rộng hơn, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Quang A cho rằng nguy cơ lệ thuộc Trung Quốc là do bản thân nền kinh tế Việt Nam còn yếu kém, DN hoạt động không hiệu quả nên phải dựa vào đầu tư nước ngoài. Do đó, theo ông, muốn thoát lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác thì rất cần tự nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

4 tháng, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 28,4%
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ Công Thương tổ chức chiều 2-6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường. Về việc mở rộng thị trường giao thương, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp thông qua tích cực đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và 6 hiệp định thương mại tự do (FTA) khác. “Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu là việc rất quan trọng cần hướng tới” - ông Hải khẳng định.
Một số giải pháp khác để giảm lệ thuộc nhập siêu từ Trung Quốc được ông Hải chỉ ra là tăng cường sản xuất trong nước, tăng xuất khẩu vào thị trường này. Trong 4 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu Việt Nam vào Trung Quốc tăng 28,4% so với năm trước.
Nguồn: http://nld.com.vn/

Đội mũ bảo hiểm không chuẩn sẽ bị phạt như không đội mũ bảo hiểm

VOV.VN - Từ 15/6, quy định này sẽ được áp dụng với những người tham gia giao thông. Người sản xuất hàng không chuẩn cũng sẽ bị xử nghiêm.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa yêu cầu Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố siết chặt việc quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm.
(ảnh: Tiền phong)

Theo đó, từ ngày 15/6, người tham gia giao thông sử dụng các loại mũ không phải mũ bảo hiểm sẽ bị phạt như hành vi không đội mũ bảo hiểm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy, xe đạp điện cũng bị xử lý.
Đây là chiến dịch của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và được triển khai vào tháng cao điểm nắng nóng của mùa hè, thời điểm mà người tham gia giao thông thường chọn những loại mũ thời trang nhưng không có chức năng bảo hiểm, bảo vệ đầu để đội khi đi xe gắn máy.  
Trong đợt cao điểm này, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm, cấm các loại mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy nhập lậu trên thị trường; kiểm soát, xử lý nghiêm người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm; đội mũ không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.
Ngoài ra, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu các cơ quan, lực lượng phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng loạt việc tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm trên toàn quốc./.
Nguồn: http://vov.vn/

Người dân mơ hồ về đăng ký biển cho xe máy điện

Ngày 1/6 Thông tư 15 của Bộ Công an, hướng dẫn thi hành về đăng ký xe, trong đó có nội dung, xe máy điện phải đăng ký biển số có hiệu lực. Tuy nhiên không ít người dân vẫn còn mơ hồ, ngỡ ngàng trước quy định này.
Mặc dù, các nội dung trong Thông tư hướng dẫn về việc đăng ký xe máy điện đã được đăng tải nhiều ngày qua trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên theo ghi nhận ở những quận trung tâm của thủ đô, phần lớn những người dân vẫn mơ hồ về quy định này. 
xe-mo-to-dien-9422-1401336535.jpg
Người đi xe máy điện vi phạm sẽ bị xử lý như với người đi xe mô tô. Cụ thể với lỗi vi phạm không đội mũ bảo hiểm sẽ bị phạt 150.000 đồng. Ảnh: Bá Đô.
Điểu khiển chiếc xe máy điện có kiểu dáng giống xe AirBlade, đi trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) em Nguyễn Văn Thành 18 tuổi cho hay, chỉ nghe "mang máng" về việc đăng ký xe máy điện, tuy nhiên không biết phải đăng ký như thế nào và sẽ bị xử phạt nếu vi phạm ra sao.
"Em cứ nghĩ xe chạy bằng điện với tốc độ thấp, khi mua không cần phải thủ tục rườm rà nên mới chọn, chứ biết phải đăng ký thì mua xe máy chạy cho thỏa mái", Thành nói.
Còn chị Nguyễn Thị Tuyên ở Hoàng Mai đang sở hữu một chiếc xe máy điện mua từ năm 2012, cũng tỏ ra bất ngờ  trước quy định ngày 1/6 tới, nếu xe không  đăng ký sẽ không được lưu thông. "Bây giờ chẳng còn giấy tờ gì liên quan đến xe, chỉ còn giấy bảo hành nhưng đã hết hạn thì đăng ký thế nào".
Chị Tuyên cũng cho rằng, ở khu tổ dân phố, công an phường chưa thông báo và hướng dẫn cụ thể về việc này. "Hôm nay mới biết là phải đăng ký nhưng không đầy đủ giấy tờ thì sao kịp đến 1/6 có biển số", chị Tuyên lo ngại.
Sáng 29/5, tổ công tác thuộc đội CSGT số 4 có mặt ở ngã tư Trần Khát Chân - Võ Thị Sáu đã xử lý hơn 10 trường hợp đi xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm và vượt đèn đỏ, tuy nhiên chỉ có hai, ba người nắm được quy định phải đăng ký biển số, còn lại đều rất mơ hồ thậm chí có người chưa từng biết đến quy định này.
Thượng úy Lê Văn Tiến, Đội phó Đội CSGT số 4 cho biết, căn cứ theo quy định sau 1/6 xe máy điện khi tham gia giao thông nhưng chưa đăng ký, không chứng minh được nguồn gốc, sẽ bị tạm giữ xe 7 ngày. Sau thời hạn này nếu không xác minh được tiếp, chiếc xe sẽ bị tịch thu. Ông cho rằng, cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn về hướng xử lý, nếu không "hàng triệu xe điện máy sẽ đắp chiếu mà không dám lưu thông ngoài đường".
xu-phat-xe-dien-2167-1401336535.jpg
Tại ngã tư Trần Khát Chân - Võ Thị Sáu, nhiều xe máy điện bị xử lý lỗi không đội mũ bảo hiểm, lỗi vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông. Ảnh: Bá Đô.
Đồng tình với quan điểm này, thượng úy Nguyễn Minh Đức, Đội phó Đội CSGT số 1, phòng CSGT Hà Nội cũng cho hay, để tạo điều kiện cho người tham gia lưu thông có thêm thời gian thực hiện quy định, các tổ công tác chủ yếu nhắc nhở và yêu cầu người dân phải đi đăng ký mới được tham gia giao thông.
Trước đó, trao đổi với VnExpress, đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Cục phó CSGT cũng khẳng định, nếu sau 1/6, xe máy điện không đăng ký sẽ không được phép lưu thông ngoài đường và nếu vi phạm sẽ xử lý theo nghị định 171. Đại tá Tuấn cũng khuyến cáo người dân khi có phương tiện nên tự ý thức và có trách nhiệm đến cơ quan chức năng đăng ký lấy biển số xe.
Nghị định 71/2012/NĐ-CP (điều 1, khoản 2, mục 3, điểm i) ban hành ngày 19/9/2012 quy định: xe máy điện thuộc phương tiện giao thông cơ giới (quy định tại điều 3, khoản 18, Luật Giao thông đường bộ), khi hết điện, không thể đạp pê-đan cho xe chạy được như xe đạp điện.
Với những lỗi điều khiển xe không có còi, đèn soi, biển số hoặc điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định sẽ bị phạt từ 80-100.000 đồng.
Người sử dụng đăng ký xe không đúng theo quy định sẽ bị phạt 300.000-400.000 đồng và tạm giữ xe 7 ngày theo quy định.
Nguồn: http://vnexpress.net/

Các món ngon trong dịp Tết Đoan Ngọ

Ngoài tác dụng diệt trừ sâu bọ như quan niệm dân gian, các món ăn trong ngày 5/5 âm lịch như thịt vịt, rượu nếp và bánh tro còn giúp giải nhiệt trong những ngày đầu hè oi bức.
Dù đi đâu, làm gì thì trong ngày 5/5 âm lịch, nhiều người cũng quên những ký ức về các món ăn trong dịp Tết Đoan Ngọ, hay còn gọi là ngày giết sâu bọ.
Cơm rượu nếp
Với ý nghĩa giết sâu bọ, cơm rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong sáng ngày Tết Đoan Ngọ. Bởi theo quan niệm dân gian, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể. Gạo được chọn để nấu cơm rượu nếp là loại nếp cẩm, hoặc nếp cái hoa vàng, ngon nhất là gạo nếp lứt, hạt nâu vàng, óng ả. Sau đó gạo được nấu, để nguội và ủ lên men để cho ra những hạt cơm chắc mà dẻo, quyện với men rượu đượm hương thảo dược, cay nhẹ nhưng vẫn để lại dư vị ngọt trên đầu lưỡi.
Cơm rượu nếp rất phổ biến trong cả nước nhưng ở mỗi vùng món ăn này lại có những đặc trưng riêng về thời gian và cách ủ. Trong khi cơm rượu nếp miền Bắc thì để rời từng hạt thì cơm rượu của người miền Trung được ép thành từng khối và cơm rượu miền Nam được viên tròn.
K14-8209-1401682437.jpg
Cơm rượu nếp dân dã trong Tết Đoan Ngọ. Ảnh: laodong
Thịt vịt
Không phổ biến như cơm rượu nếp nhưng thịt vịt là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết "giết sâu bọ" của người dân miền Trung. Một số giải thích rằng, vịt có tính hàn, ăn vào sẽ giúp cơ thể mát mẻ, bổ dưỡng trong những ngày oi bức đầu tháng 5 âm lịch (lập hạ). Trong khi đó, một số lại quan niệm, vịt sẽ bắt đầu béo ngậy, thơm ngon hơn kể từ ngày mùng 5/5 (âm lịch) trở đi.
Vào ngày này, các chợ miền Trung và một số ở miền Bắc thường rộn rã việc mua bán vịt sống. Vịt sau khi mua về được chế biến thành nhiều món như vịt luộc chấm mắm gừng, vịt kho, bún măng vịt hay vịt om sấu ăn kèm bún. Trong đó phổ biến nhất là tiết canh vịt.
24h-6326-1401682437.jpg
Bún vịt thanh mát ngày hè. Ảnh: 24h
Bánh tro
Cùng với nhiều loại hoa quả đầu mùa như mận, vải, xoài, măng cụt..., bánh tro là món ăn truyền thống trong dịp tết Đoan Ngọ ở Việt Nam. Bánh tro có nhiều tên khác nhau như bánh ú tro, bánh gio hay bánh âm. Bánh có màu vàng đậm do gạo nếp được ngâm từ nước tro đốt bằng củi các loại cây khô, sau đó gói trong lá chuối rồi đem luộc.
Tùy từng nơi bánh được gói theo các hình dáng khác nhau như thuôn dài hay chóp tam giác. Bên trong bánh thường là nhân mặn hoặc ngọt, đôi khi không nhân. Bánh tro dễ ăn, dễ tiêu làm mát ruột, thường ăn với đường hoặc mật. Vị thanh mát của bánh tro hòa quyện với vị ngọt ngào của đường mật khiến bất kỳ ai ăn một lần cũng phải luyến lưu thứ bánh giản dị mà dân dã này.
gdptthegioi-8602-1401682437.jpg
Bánh tro. Ảnh: gdptthegioi
Bánh khúc
Khác với người Kinh có cơm rượu nếp, bánh tro, thịt vịt, đặc sản Tết Đoan Ngọ của người Nùng (Mường Khương, Lào Cai) là món bánh khúc. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp ngon, rau khúc, đậu xanh, hạt vừng đen. Bánh khúc có hình thù và cách làm gần giống bành dày.
Gạo sau khi ngâm kỹ, giã cùng rau khúc thành bột mịn và nắm thành từng nắm nhỏ. Đậu xanh xay vỡ, đãi sạch vỏ ngoài, đem đồ chín. Hành phi chín vàng rồi cho vừng đen rang chín, giã nhỏ trộn đều với đỗ làm nhân bánh. Bánh khúc được hấp hoặc rán tùy theo sở thích, nhưng hấp dẫn nhất là chao qua chảo mỡ. Bởi lúc này, những chiếc bánh nóng có độ phồng, bóng, thơm thơm của mùi lá khúc cùng hương vị của đậu xanh, của hành, mỡ pha chút ngậy của vừng đen.
Chè kê
che-ke-01-saigonamthuc-9936-1401682437.j
Chè kê trong ngày Tết Đoan Ngọ ở Huế. Ảnh: saigonamthuc
Chè kê cũng là món ăn rất đặc trưng cho ngày Tết Đoan Ngọ ở Huế. Những hạt kê mẩy tròn sau khi được xay cho tróc vỏ, ngâm và đun sôi đến khi nở mềm, sền sệt, bỏ thêm đường và nước gừng sẽ cho ra nồi chè thơm phức với màu vàng kê quyến rũ.
Chè kê nấu đơn giản những chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn so với các ngũ cốc khác, đồng thời có tác dụng bồi bổ khí huyết, cân bằng thể trạng cho những người thường xuyên dùng các đồ ăn, thức uống giải nhiệt.
Chè kê ở Huế rất đặc biệt vì thường ăn kèm với bánh tráng mè. Lúc ăn không cần muỗng mà dùng bánh tráng để xúc. Bởi thế vị giòn của bánh tráng nhanh chóng hòa lẫn với vị ngọt của đường, vị dẻo thơm của kê và thơm cay thoang thoảng của gừng tươi khiến món ngon càng thêm hấp dẫn.
Nguồn: http://dulich.vnexpress.net/

Hình ảnh đẹp về CSGT trên đường phố Hà Nội


(Dân trí) - Tại phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội), một chiến sĩ CSGT cặm cụi đẩy một chiếc xe chở nặng, chết máy giữa đường khi nhiệt độ ngoài trời lúc này lên tới 40 độ C.
Đây là hình ảnh một bạn đọc Dân trí ghi lại vào khoảng 15h30 ngày 2/6 tại phố Tôn Đức Thắng (Đống Đa – Hà Nội). Một chiến sĩ CSGT cặm cụi đẩy một chiếc xe chở nặng, chết máy trên đường khi nhiệt độ ngoài trời lúc này lên tới 40 độ C. Một lần nữa, những hành động rất đỗi đời thường, nhưng đã để lại thật nhiều ấn tượng đẹp về người CSGT trong lòng người dân.

Nguồn: http://dantri.com.vn/

Cán bộ công chức Hà Nội không được nói tục

(Dân trí) - Hà Nội vừa ban hành quy chế yêu cầu cán bộ công chức khi giao tiếp với đồng nghiệp phải lịch sự, không nói tục, dùng tiếng lóng, quát nạt. Trong giao tiếp với nhân dân phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích rõ ràng, cụ thể.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quy chế thực hiện Kỷ cương hành chính và Văn hóa công sở tại Văn phòng UBND thành phố. Mục đích của việc ban hành quy chế trên nhằm hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Cán bộ, công chức Hà Nội phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến nhân dân (Ảnh minh họa)
Cán bộ, công chức Hà Nội phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến nhân dân (Ảnh minh họa)
Cụ thể trong giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, trung thực, thân thiện, hợp tác. Ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc; không nói tục, dùng tiếng lóng, quát nạt; phải công bằng, vô tư, khách quan khi nhận xét, đánh giá và đoàn kết trong nội bộ.
Trong giao tiếp và ứng xử với nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc.
Đặc biệt, khi giao tiếp qua điện thoại, cán bộ, công chức, viên chức phải xưng tên, cơ quan, đơn vị công tác; trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc và không ngắt điện thoại đột ngột.
Hà Nội cũng cấm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc tại công sở, trừ trường hợp được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan vào các dịp liên hoan, lễ tết, tiếp khách ngoại giao. Cán bộ, công chức, viên chức cũng bị cấm đánh bạc dưới mọi hình thức; cấm đánh cờ, chơi game hoặc chơi thể thao trong giờ làm việc.
Cán bộ, công chức, viên chức của Hà Nội không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức có nhiệm vụ phối hợp với phòng Tổng hợp, Ban Thanh tra nhân dân thường xuyên kiểm tra việc thực hiện kỷ cương hành chính, văn hóa công sở theo Quy chế và báo cáo Chánh Văn phòng để có hình thức nhắc nhở, kỷ luật những trường hợp vi phạm.
Nguồn: http://dantri.com.vn/

Không có chuyện Nhật dừng dự án ODA với VN

 Bộ KH-ĐT phủ nhận thông tin Nhật Bản sẽ tạm hoãn ODA do nghi án hối lộ liên quan dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội.
Trước thông tin về việc Nhật Bản ngày 2/6 đã thông báo với Chính phủ Việt Nam sẽ tạm hoãn viện trợ phát triển chính thức (ODA) do nghi án hối lộ liên quan tới dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội được Nhật Bản cấp vốn, ông Nguyễn Xuân Tiến, Vụ phó Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Nhật Bản sẽ không dừng các dự án ODA đối với Việt Nam. ​

Theo đó, đối với các dự án ODA mới, phía Nhật Bản sẽ phê duyệt dựa trên cơ sở phía Việt Nam cam kết thực hiện điều tra và xử lý nghiêm các cá nhân hoặc tập thể liên quan đến nghi án công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đưa hối lộ; xây dựng các biện pháp phòng ngừa phát sinh những vụ việc tương tự.
Nhật Bản, ODA, hối lộ, JTC, tham nhũng, JICA
Đường vành đai 3, Hà Nội được xây dựng nhờ vốn ODA của Nhật Bản
Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA trong thời gian tới, cùng với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng như ban hành Quy tắc đạo đức và ứng xử trong đấu thầu đối với các dự án ODA Nhật Bản, Quy chế thí điểm về sự tham gia của bên thứ ba trong đấu thầu các dự án ODA Nhật Bản, hợp tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hậu kiểm một số gói thầu tại một số dự án ODA Nhật Bản, Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra các dự án ODA nói chung, đặc biệt là các dự án ODA Nhật Bản; đồng thời, lấy ý kiến sửa đổi, hoàn thiện các quy định có liên quan như: luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp, luật Đấu thầu sẽ có hiệu lực từ 1/7/2014 và luật Đầu tư công sắp được Quốc hội thông qua nhằm minh bạch hóa công tác đấu thầu, tài chính doanh nghiệp.

Liên quan đến nghi án hối lộ của JTC, Chính phủ và các cơ quan chức năng của phía Việt Nam đã và đang phối hợp với phía Nhật Bản nhằm xử lý vụ việc một cách tích cực và nghiêm minh. Phía Việt Nam ngay từ khi có thông tin chính thức đã nhanh chóng điều tra và tạm giữ các cá nhân có dấu hiệu vi phạm, sai phạm.

Diễn tiến xung quanh nghi án hối lộ ODA

- Yomiuri Shimbun trích đăng tháng ngày 20, 21/3/2014 cho hay Chủ tịch JTC Tamio Kakinuma thừa nhận JTC đã đưa hối lộ 130 triệu yên để được tư vấn cho 4 dự án đường sắt có tổng trị giá 7,8 tỉ yên, trong đó hối lộ cho một quan chức cao cấp về quản lý dự án ngành đường sắt Việt Nam 80 triệu yên (16,4 tỉ đồng).

- Ngay khi báo chí Nhật Bản đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước khi lên đường dự hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở Hà Lan đã chỉ đạo hai Phó Thủ tướng trực tiếp điều phối giải quyết vụ việc. Bên lề hội nghị, Thủ tướng có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Shinzo Abe để trao đổi xung quanh vấn đề này.

- Văn phòng Chính phủ phát thông báo về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về làm rõ thông tin đưa hối lộ tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp xúc với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam để trao đổi thông tin.

- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện KSNDTC, Bộ GTVT, Bộ Ngoại giao chủ động xác minh, làm rõ và liên hệ với các cơ quan chức năng phía Nhật Bản để thu thập hồ sơ tài liệu về vụ việc.

- Bộ trưởng GTVT chủ trì cuộc họp bất thường về thông tin công ty Nhật hối lộ để trúng thầu dự án ODA. Ngoài việc yêu cầu đình chỉ trưởng ban quản lý, một số người nghỉ hưu và chuyển công tác cũng đã được yêu cầu làm giải trình, Bộ trưởng cũng yêu cầu thành lập đoàn thanh tra rà soát tất cả các dự án mà công ty JTC tham gia, dừng giải ngân các dự án đang tiến hành, dừng đàm phán giai đoạn 2 với các dự án.

- Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông sang Nhật Bản xác minh thông tin về nghi án nhận hối lộ.

- Vụ việc được giao cho cơ quan tư pháp Nhật Bản điều tra.
- Chiều 25/3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc tiếp Đại sứ Nhật Bản Hiroshi Fukuda tại Hà Nội. Phó Thủ tướng khẳng định "Việt Nam kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam vụ việc nghi vấn đưa hối lộ của JTC cho quan chức Việt Nam nếu được điều tra là đúng".
Nguồn: http://vietnamnet.vn/

“Ai cũng đúng, chỉ mỗi con đường sai!"

 - “Ai nói cũng đúng, chỉ mỗi con đường sai, chất lượng đường kém, rồi đổ tại cho thời tiết, khí hậu, quá tải… Điều này là không thể chấp nhận” - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thẳng thắn cho biết tại cuộc họp về chất lượng công trình giao thông ngày 3/6.
“Tất cả đều đúng mà công trình lại kém chất lượng?”
Được cho là công trình kiểu mẫu, nhưng mới đây tuyến đường QL1 Vinh – Hà Tĩnh vẫn xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe.
Báo cáo về thực trạng này, ông Lê Ngọc Hoa, Tổng giám đốc Cienco 4 cho biết, có khoảng 4/35 km bị hiện tượng này. Những vệt hằn có độ sâu từ 5 – 23mm.
Ông Hoa cho biết, Cienco 4 đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc thường xuyên tưới nước, phân luồng xe để tránh hiện tượng trùng phục (xe chạy liên tục trên cùng một điểm), nhưng hằn lún vẫn diễn ra.
Đinh La Thăng; GTVT; Cieco 4
Bộ trưởng Thăng: Tưới nước và phân luồng xe cho khỏi lún vậy làm đường chỉ dành để đi khi trời mưa à? Sao vô lí vậy?
“Chúng tôi đã triển khai nghiêm ngặt các quy trình, thí nghiệm kỹ càng, trực tiếp nhập nhựa bồn từ Singgapo, bột khoáng rồi đá cũng được Tổng công ty kiểm soát, không phân xuống các đơn vị. Ngoài ra đơn vị cũng nhập nhiều thiết bị máy móc mới… nhưng vẫn bị lún. Nhiều anh em, cán bộ công trường nói đã làm hết sức, rất cẩn thận nhưng đường vẫn lún nên bị tâm lý và mất tự tin”, ông Hoa nói.
Về nguyên nhân hằn lún vệt bánh xe, ông Hoa đề cập đến vấn đề thời tiết nắng nóng và cho biết Cienco 4 cũng đã thuê đơn vị kiểm định độc lập để làm rõ nguyên nhân.
Đồng thời, triển khai giải pháp như tưới nước trong những ngày nắng to để giảm nhiệt cho mặt đường, phân luồng xe để giảm tải và tránh hiện tượng trùng phục.
Với dự án BOT nâng cấp mở rộng QL18 – Uông Bí - Hạ Long, ông Lương Đức Minh, Tổng giám đốc Công ty CP phát triển Đại Dương (chủ đầu tư dự án) cho biết: Trong quá trình thi công, chủ đầu tư và nhà thầu cũng kiểm soát chặt chẽ quy trình, tiêu chuẩn chất lượng.
Khi kiểm tra móng đường không có hiện tượng gì. Chỉ có một số đoạn mặt đường bị hằn lún.
Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cho rằng, nếu các dự án giao thông tiếp tục hằn lún thế này sẽ là thảm họa.
Theo ông Viên, bằng mọi cách phải xử lý dứt điển, bởi các dự án mở rộng QL1, QL14 đang triển khai. Thực tế, hằn lún xảy ra rất nhanh ở những ngày nắng nóng, chủ yếu ở lớp trên của đường và ở làn xe tải nặng.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể nghi ngờ, nếu nói nắng nóng là “thủ phạm” chính thì tại sao nhiều tuyến đường khu vực miền Tây, thường xuyên nắng nóng nhưng không vấn đề gì?
Tuy nhiên, theo ông Thể, có thể khu vực miền Tây xe quá tải ít, còn miền Trung và miền Bắc lưu lượng xe lớn, quá tải nhiều nên lún nhiều hơn. Có thể xem xét những nơi có khí hậu khắc nghiệt cần sử dụng loại nhựa đặc thù.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, thế giới vẫn dùng loại nhựa và công nghệ đó, họ cũng nắng nóng, thậm chí còn hơn mình, vậy tại sao họ không lún? Tất cả chỉ ở yếu tố con người!
Không đồng tình với ý kiến của các bên đưa ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: Tiêu chuẩn gì thì tiêu chuẩn, nhưng đường phải đảm bảo chất lượng tốt, không bị lún.
“Tại sao nước ngoài làm được mà mình không làm được? Làm đường xong khi trời nóng thì bảo dân không được đi vì sợ lún, nghe thế có chấp nhận được không? Tưới nước và phân luồng xe cho khỏi lún vậy làm đường chỉ dành để đi khi trời mưa à? Sao vô lí vậy?”, Bộ trưởng Thăng nói.
Mạnh tay xử lý người đứng đầu
Cũng tại buổi họp, Bộ trưởng Thăng yêu cầu phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, từ Bộ trưởng, Thứ trưởng, Vụ trưởng, Cục trưởng, đến Tổng Giám đốc… nếu để công trình kém chất lượng đều bị xử lý nghiêm. Nếu làm không được sẽ bị điều chuyển, thay thế ngay.
Đinh La Thăng; GTVT; Cieco 4
“Ai nói cũng đúng, chỉ mỗi con đường sai, chất lượng đường kém, rồi đổ tại cho thời tiết, khí hậu, quá tải… Điều này là không thể chấp nhận”
Bộ trưởng Thăng cũng 'cảnh báo' Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT Trần Xuân Sanh:
“Tôi đã trao quyền nên đề nghị anh Sanh phải mạnh tay hơn nữa chứ không thể ngại vì nghĩ cho đơn vị! Cuối năm nay, nếu như chất lượng công trình không cải thiện thì tôi sẽ chuyển anh đi làm việc khác!”.
Người đứng đầu ngành giao thông cũng giao Thứ trưởng Đông tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn và mục tiêu số 1 là đảm bảo chất lượng, không 'hi sinh chất lượng' để đổi lấy tiến độ!
Đặc biệt, ông Thăng yêu cầu tất cả các nhà thầu chính tại các gói thầu không được thuê thầu phụ thi công các hạng mục chính; Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tải trọng xe, cả trước mắt và lâu dài.
Nguồn: http://vietnamnet.vn/

Mỹ ủng hộ VN trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền

Hạ nghị sĩ Mỹ John Kline cho biết, Mỹ luôn theo dõi sát sao tình hình ở Biển Đông.
Sáng nay, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp thân mật đoàn hạ nghị sĩ Mỹ, do ông John Kline, thành viên Đảng Cộng hòa, Chủ tịch UB Giáo dục và Lao động, thành viên UB Quân vụ dẫn đầu.
Vấn đề Biển Đông với việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN, cũng như quan hệ hai nước, hai QH VN-Mỹ là trọng tâm được đề cập trong buổi tiếp.
Biển Đông, Mỹ, chủ quyền, giàn khoan, Hải Dương 981,TPP
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tiếp ông John Kline
Tại buổi tiếp, Chủ tịch QH tin tưởng Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Mỹ luôn theo sát tình hình ở Biển Đông hiện nay và khẳng định TQ đã xâm phạm, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Hành động này đang gây mất ổn định ở Biển Đông, đe dọa thông thương hàng hải, hàng không, gây lo ngại sâu sắc cho các nước khu vực, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, Đảng, Chính phủ và Quốc hội, nhân dân VN ở trong và ngoài nước thể hiện nhất quán quan điểm kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời kiên trì đấu tranh, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, yêu cầu TQ rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của VN.
VN kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ VN trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này. VN cảm ơn dư luận quốc tế, QH các nước và nhiều nghị sỹ Mỹ đã đồng tình ủng hộ lập trường của VN, góp phần thúc đẩy hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực châu Á-TBD nói chung và Biển Đông nói riêng.
Về phần mình, ông John Kline cho biết, phía Mỹ luôn theo dõi sát sao tình hình ở Biển Đông và thể hiện sự quan tâm, quan ngại sâu sắc, đặc biệt là hành động gây hấn của TQ với VN. Mỹ ủng hộ quan điểm và lập trường của VN trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và mong muốn các bên sớm có giải pháp giải quyết tình hình hiện nay bằng con đường ngoại giao, hòa bình.
Các nghị sỹ Mỹ tham gia đoàn cũng bày tỏ sự cảm thông chia sẻ và đồng tình với VN, đồng thời khẳng định chủ quyền và độc lập của một quốc gia phải được tôn trọng, hàng hải phải được thông thương.
Cũng tại buổi tiếp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và hạ nghị sĩ John Kline cùng thống nhất cần tăng cường thúc đẩy quan hệ hai nước, hai QH. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là khoa học, giáo dục, y tế… cũng như tiếp tục phối hợp khắc phục hậu quả của chất độc da cam, tìm kiếm người nước ngoài mất tích sau chiến tranh ở VN.

Ông John Kline khẳng định, phía Mỹ luôn quan tâm thúc đẩy hợp tác thương mại với VN và sớm ký kết Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nguồn: http://vietnamnet.vn/

Sách giáo khoa TQ thừa nhận biên giới đến đảo Hải Nam

- Lần đầu tiên, các tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của VN ở Biển Đông được tập hợp trong một cuốn sách.

Hoàng Sa, Trường Sa, chủ quyền, Biển Đông, giàn khoan, TQ
PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu cuốn sách do ông chủ biên
Cuốn sách dày 3.000 trang tập hợp các tư liệu Hán Nôm viết về lập trường của nhà nước phong kiến VN qua các thời kỳ. “Đây là những tư liệu thuộc về nhà nước quản lý, rất có giá trị khoa học và làm căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền” - PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, thông tin tại buổi giới thiệu cuốn sách sáng 3/6.
Hoàng Sa, Trường Sa, chủ quyền, Biển Đông, giàn khoan, TQ

Thông tin với báo chí, ông Mạnh cho biết: “Hiện tôi đang giữ trong tay tài liệu SGK dành cho bậc tiểu học của TQ, xuất bản năm 1912, do Bộ Giáo dục nước Trung Hoa dân quốc phát hành, trong đó nêu biên giới của họ chỉ đến đảo Hải Nam chứ không có quần đảo Hoàng Sa”.
Ông Mạnh cũng cho biết, việc nghiên cứu tư liệu đã được các nhà khoa học VN và thế giới tiếp cận, trong đó có cả các học giả người TQ. “Có người (học giả TQ) đã đến ăn cơm đọc sách tại Viện Hán Nôm, đã từng là bạn thân thiết của Viện chúng tôi nhưng sau đó lại có thể nói những điều trái ngược, sai sự thật trên báo chí của họ. Chúng tôi có thể chỉ đích danh những người bịa đặt, vu khống, xuyên tạc lịch sử đó”.
Với những tư liệu Hán Nôm mà Viện nghiên cứu Hán Nôm đang lưu giữ, hệ thống và xâu chuỗi theo thời gian lịch sử và chủ đề, cuốn sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông” trình bày, sắp xếp theo 3 nhóm nội dung chính:
Thứ nhất, nội dung các tư liệu Hán Nôm thể hiện việc hằng năm, nhà nước phong kiến VN phái người người ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ về mang trình tấu triều đình. Những chuyến khảo sát này đã được ghi lại trong các bộ sử của các triều đại như Đại Nam thực lục (do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn); Quốc triều chính biên toát yếu; các tài liệu mang tính pháp quy của nhà nước ban hành dưới tên Châu bản…
Thứ hai, nội dung các tư liệu Hán Nôm ghi lại việc nhà nước đặt đội hải thuyền mang tên Hoàng Sa, Bắc Hải thực hiện những chuyến ra khơi để quản lý biển đảo. Không những cử người ra Hoàng Sa, nhà nước còn cho xây dựng miếu, đặt bia trên đảo Hoàng Sa, điều này đã được ghi rõ trongĐại Nam thực lục...
Cuốn sách sẽ được dịch ra tiếng Anh. Sách sẽ được gửi tới các thư viện trong cả nước, được bán tại các hiệu sách… Sách cũng được gửi tới các nhà nghiên cứu, học giả của TQ để họ tìm hiểu, nghiên cứu.
Nội dung tư liệu Hán Nôm ghi việc giáo dục ý thức coi trọng chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông cho các thế hệ người VN cũng được các triều đại phong kiến chú ý.
Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Mạnh, trong các tài liệu Hán Nôm, sách dạy học chữ Hán cho lớp đồng ấu cũng đã có những nội dung ghi chép về chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa, như sách Khải đồng thuyết ước; Tu thân luân lý khoa…
Những dẫn chứng trên cho thấy, nhà nước phong kiến VN luôn có ý thức bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của VN ở biển Đông. Hai quần đảo này từ rất lâu đã trở thành địa điểm cư trú của cư dân VN sinh sống và khai thác sản vật, thành đối tượng ghi chép và nghiên cứu của các nhà khoa học VN.
Căn cứ vào các tư liệu Hán Nôm, chúng ta có đủ bằng chứng có giá trị, chứng minh một cách thuyết phục về chủ quyền của nhà nước VN đối với hai quần đảo này. Đây là những căn cứ vững chắc về lịch sử, khoa học và pháp lý” - PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh nói.

“Đến năm 1906 sách giáo khoa địa lý của TQ là cuốn TQ địa lý học giáo khoa thư viết: "Điểm cực nam của TQ là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại vĩ tuyến 18"”, PGS. TS Ngô Văn Minh, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực 3 cho biết. Ông so sánh: “Trong khi đó từ thời Nguyễn, Nhà nước đã đưa kiến thức về quần đảo Hoàng Sa vào sách dạy cho học trò”.
Nguồn: http://vietnamnet.vn/