Rất nhiều ý kiến của hiệp hội và tổ chức nước ngoài đồng tình rằng, khi doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế thì cải cách DNNN sẽ là đòi hỏi thiết yếu để bảo đảm nền kinh tế Việt Nam đi đúng hướng.

CôngThương - Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2013 tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) dẫn số liệu cho thấy, hiện khu vực DNNN đang chiếm tới 40% toàn bộ nền kinh tế. Theo ông Preben Hjortlund, bản thân điều này không có gì đáng quan ngại, tuy nhiên, vấn đề ở chỗ các DNNN nhìn chung được ưu đãi nhiều hơn thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai, chỉ tiêu lợi nhuận thấp... và thường hoạt động không hiệu quả. Ông Preben Hjortlund cũng nhấn mạnh hiện một số vấn đề liên quan đến cải cách và cơ cấu lại các DNNN “vẫn là mối quan tâm chính” của các nhà đầu tư nước ngoài.
DNNN hoạt động thiếu hiệu quả
Theo Hiệp hội DN Singapore, tại Việt Nam, dư nợ trong nước của DNNN đã lên tới khoảng 145.000 tỉ VND, trong đó 20-30% là nợ không thể hoàn trả. Điều này là do nhiều DNNN đang hoạt động thiếu hiệu quả, phát sinh lỗ .
Ông Seck Yee Chung- Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Singapore- phân tích, mặc dù các DNNN của Việt Nam được phân chia thành hai khối là DN vì mục tiêu thương mại và DN phi thương mại nhưng cả khối này đều thiếu rõ ràng về mục tiêu và hoạt động.
Một trong những lý do khiến một số DNNN phi thương mại hoạt động kém hiệu quả vì những DN này phát sinh lỗ từ những hoạt động đầu tư ngoài nhiệm vụ chính. Đối với khối DNNN vì mục đích thương mại, mục đích của những DN này là để thực hiện, khuyến khích tăng trưởng kinh tế lành mạnh, do đó, các DNNN thương mại phải tuân thủ các quy luật thị trường và phải chịu trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn của Nhà nước.
“Tuy nhiên, nếu các DNNN thương mại được hưởng các ưu đãi, đối xử đặc biệt của Nhà nước thì những DN này sẽ có khả năng kiểm soát, chi phối thị trường, từ đó ảnh hưởng đến cạnh tranh bình đẳng giữa DNNN và DN tư nhân”- ông Seck Yee Chung đặc biệt lưu ý.
Ở một khía cạnh khác, ông Sato Motonobu- Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam- cũng chỉ ra, trong khi các DN tư nhân xin vay vốn vô cùng khó khăn thì nhiều DNNN có thể xin cấp vốn khá thuận tiện từ các tổ chức tài chính. Nếu cứ tiếp diễn như vậy thì dòng vốn sẽ chỉ chảy đến các DNNN có hiệu suất kinh doanh thấp và năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng sẽ không còn.
Quản lý DNNN - cần vai trò của chính phủ
Để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, các chuyên gia cho rằng, vai trò quản lý của chính phủ là rất quan trọng. Ông Seck Yee Chung đã đưa ra gợi ý, Chính phủ Việt Nam cần phân biệt rõ vai trò hoạch định chính sách cũng như chủ sở hữu doanh nghiệp của mình. Theo đó, là người hoạch định chính sách, Chính phủ cần điều tiết thị trường theo hướng không phân biệt đối xử giữa DNNN và tư nhân. Còn với vai trò là chủ sở hữu doanh nghiệp, Chính phủ cần bảo đảm DNNN hoạt động hiệu quả, bền vững, và để làm điều đó đòi hỏi phải có cơ chế quản trị hiệu quả, minh bạch.
Ông Seck Yee Chung cũng thẳng thắn cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã thành lập Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) dưới dạng công ty đầu tư thuộc sở hữu nhà nước, thay mặt Chính phủ quản lý phần vốn góp của nhà nước trong doanh nghiệp, tuy nhiên, SCIC còn cần thêm thời gian, nguồn lực để đủ khả năng đảm nhiệm tốt nhiệm vụ này.
Đánh giá của ông Seck Yee Chung cho thấy, Việt Nam hiện còn thiếu hoặc chưa thực thi đầy đủ những quy trình, cơ chế để bảo đảm DNNN chịu trách nhiệm trước cổ đông. Tình trạng này có thể dẫn đến hoạt động thiếu hiệu quả, sử dụng nguồn vốn nhà nước sai mục đích.
Nguồn: http://baocongthuong.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét