Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Nhìn lại lịch sử Thăng Long – Hà Nội 1000 năm

Hà Nội, thủ đô của cả nước.Hà Nội có tên gọi là Thăng Long từ đầu thế kỷ thứ 11, cách nay 1000 năm, với vai trò là kinh đô, là trung tâm chính trị của cả nước.Tại di tích Hoàng Thành Thăng Long, việc khai quật cho thấy rằng hoàng thành của các vương triều nối tiếp nhau được xây dựng thành nhiều lớp chồng xếp lên nhau, các di tích kiến trúc cũng phát lộ theo các tầng lớp đó, nội dung chi tiết vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu làm rõ.
Khi mở Đại Việt sử ký toàn thư kỷ nhà Lý ra, chúng ta có thể thấy:Xa xưa chính nơi đây là nơi sinh tụ của con người thời văn hóa Đồng Đậu, rồi văn minh Đông Sơn, hình thành và phát triển ở lưu vực Sông Hồng.Trải qua thời Bắc Thuộc, Hà Nội xưa thuộc xứ giao Châu thời Hán và An Nam Đô hộ phủ thuộc Đường.Trải qua một quá trình liên tục đấu tranh giành độc lập dân tộc, TK thứ X với chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng, đưa dân tộc ta bước sang một trang sử mới, kỷ nguyên độc lập và tự chủ.Nhưng sau đó ít lâu, đất nước lại rơi vào tình trạng cát cứ, thay đổi của nhiều thế lực trong đó có 12 sứ quân.Trước tình hình nguy nan đó, đặt ra trước lịch sử dân tộc ta cần phải có người đóng vai trò “phù địa trục”. Lúc này xuất hiện một nhân vật kiệt xuất là Lý Công Uẩn.
Lý Công Uẩn được đông đảo văn võ bá quan tiến cử, trở thành Hoàng Đế đầu tiên của Triều Lý, xưng là Lý Thái Tổ. Sau đó, Vua quyết định rời đô về Thành Đại La, Hà Nội ngày nay và tự mình viết Chiếu rời đô.“Ngày xưa, nhà Thương đến đời Bàn Canh ba lần chuyển đô…Huống chi thành Đại La, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sau sông trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”
Khi dời đô về Đại La, thuyền vừa cập bến, nhà vua nhìn thấy áng mây hình Rồng bay lên bèn đổi tên Đại La thành Thăng Long.Thăng Long vào thời điểm bấy giờ được cho là có một lớp vòng thành ngoài như đang được quan sát, hiện tại còn lưu lại dấu tích tại Tứ Trấn : đền Trấn Vũ tại cửa Bắc, đền Bạch Mã tại cửa Đông, đền Kim Liên ở cửa Nam, đền Linh Lang ở cửa Tây.Sau khi định đô, nhà vua tiến hành cho xây dựng các cung điện, lầu, gác như:Điện Càn Nguyên, hai bên phải trái là điện Tập Hiền, Giảng Võ, ở 4 mặt thì có cửa Tường Phù ở phía Đông, Quảng Phúc ở phía Tây, Đại Hưng ở phía Nam, Diệu Đức ở phía bắc, với nhiều điện gác nguy nga, tráng lệ.Qua các di tích khảo cổ đã cho ta biết được quy mô lớn lao đó.
Triều đại nhà Lý- một vương triều lấy Phật giáo và tín ngưỡng  của nhân dân làm nền tảng tư tưởng.
Theo Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, triều đình đã cho xây hàng trăm ngôi chùa và đền tháp tại các nơi.Nhưng Phật giáo chưa đủ cho lý thuyết mô hình quản lý đất nước.Triều Lý, bên cạnh việc củng cố xây dựng đất nước dần dần từng bước đưa mô hình Nho giáo vào quản lý đất nước.Vào cuối TK XI(1075), kỳ thi tiến sĩ được tổ chức đầu tiên tuyển chọn nhân tài tại Quốc Tử Giám.Nhà Lý tồn tại 216 năm (1009-1225) với 8 đời vua.
Triều đại nhà Trần .Người sáng lập lên triều đại nhà Trần trên thực tế là Trần Thủ Độ, chú của Trần Thái Tông vị vua đầu tiên của triều đại.Thái sư Trần Thủ Độ, dựa vào mưu kế kết hôn xúc tiến kế hoạch soán ngôi nhà Lý sang nhà Trần, cuối cùng đã đưa Trần Thái Tông lên ngôi vua. Nhà Trần được thiết lập và tồn tại 175 năm(1225- 1400).Cũng như vương triều Lý, triều đại nhà Trần, Phật giáo được coi trọng, nhiều vị sư trở thành những nhà tu hành đắc đạo, những vị cao tăng am hiểu Phật pháp.Đặc biệt, Trần Nhân Tông là một vị vua anh minh đã sáng lập ra thiền “Phái Trúc Lâm” của Việt Nam.Các vua giỏi thơ văn, am hiểu giáo lý đạo Phật, chăm lo đời sống nhân dân, nhiều vua trở thành anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa.Trong suốt 30 năm (1258- 1288), vương triều Trần đã tổ chức, lãnh đạo nhân dân 3 lần đứng lên chống giặc Nguyên Mông xâm lược.Trong 3 lần chống quân Nguyên Mông, tướng quân Trần Hưng Đạo đã lập nên nhiều chiến công ghi dấu ấn trong lịch sử. Một đội quân xâm lược nhà nghề tinh nhuệ TK XIII từng đi xâm lược nhiều nơi trên thế giới nhưng đến Đại Việt đã bị đánh cho tan tành.
Đầu thế kỉ 15, thành Thăng Long bị nhà Minh của Trung Quốc tàn phá nghiêm trọng.Lê Lợi đã cùng với Nguyễn Trãi lãnh đạo nhân dân đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống quân Minh suốt 10 năm gian khổ và đã giành được độc lập dân tộc. “Đông Đô đất cũ thu về”. Đất nước sạch bóng quân thù, vương triều Lê Sơ bắt tay vào công cuộc xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Về các mặt kinh tế, chính trị ngoại giao, văn hóa đều phát triển vượt bậc. Trước hết là việc tổ chức xây dựng các công trình phục vụ cho những sinh hoạt của triều đình: bao gồm những cung, điện, lầu, gác, Văn miếu, Thái miếu rất đồ sộ nguy nga.
Triều đại Lê Sơ: Triều Lê Sơ được đánh giá là một vương triều phát triển cực thịnh theo mô hình Nho giáo chuyên chế.Dưới triều đại nhà Lê Sơ kéo dài cho đến hết thời Lê Trung Hưng(TK XVIII) cứ 3 năm một lần, triều đình chọn tuyển nhân tài thông qua các  kỳ thi Hội, thi Đình.
Sang thế kỷ XVI, các thế lực phong kiến cát cứ, sang thế kỉ XVII-XVIII đất nước bị chia rẽ Đàng Trong Đàng Ngoài.Còn ở Thăng Long, bên cạnh vua Lê(vị trí Hoàng Thành hiện nay) còn có thêm phủ Chúa (được xây dựng tại khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm), gọi là “Trịnh phủ”.Thăng Long thời kì này còn phát triển phồn thịnh với tư cách là một nơi giao thương quốc tế được các thương nhân Châu Âu và Nhật Bản biết đến.
Năm 1789, vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ đã đánh bại quân xâm lược nhà Thanh tại gò Đống Đa. Nguyễn Phúc Ánh đã thống nhất đất nước lập ra triều Nguyễn, triều đại cuối cùng. Tuy nhiên sau đó phải chấp nhận sự phụ thuộc từ phía Pháp. Nhà Nguyễn đóng đô ở Phú Xuân (Huế), Thăng Long đổi tên là Bắc Thành. Năm Minh Mạng thứ 12(1831) gọi tỉnh Hà Nội.Từ bản đồ vẽ năm 1873 có thể phán đoán được rằng phạm vi vòng thành ngoài đã bị thu nhỏ lại do xuống cấp.Sau đó, do chọn phương hướng cấm truyền bá đạoThiên Chúa và bài trừ việc giao thương với các nước phương tây nên đã dẫn đến việc phản kháng đối với Pháp.
Chính tại đây là nơi diễn ra các cuộc đấu tranh quyết liệt giữa quân của triều đình nhà Nguyễn với quân Pháp.Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu đã hy sinh bảo vệ thành Hà Nội vào năm 1873, 1882. Hà Nội được coi như thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp.
Nước Việt Nam độc lập: Ngày 2 tháng 9 năm 1945 Chủ Tịch Hồ Chi Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Quảng Trường Ba Đình.
Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, HN được chọn là thủ đô của cả nước. Sau nhiều năm khó khăn cùng cả nước, Hà Nội lại hồi sinh, phát triển.1000 năm nhìn lại, Thăng Long -  Hà Nội biết bao những đổi thay, thăng trầm. Hà Nội đi lên từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui!
Từ trong đống tro tàn của chiến tranh, từ những cuộc chiến tranh của các thế lực phong kiến xâm lược đến những cuộc chiến tranh của các thế lực đế quốc, thực dân, Hà Nội chưa bao giờ bị khuất phục, đầu hàng mà ngược lại luôn thể hiện sự anh dũng, hiên ngang nhưng vẫn nhân ái, chan hòa với bè bạn bốn phương.
Hôm nay, đứng trước di sản của Thăng Long Hà Nội mỗi chúng ta như được nhân thêm lòng tự hào dân tộc, tự hào về Thăng Long Hà Nội.Nhiệm vụ của chúng ta ngày nay cần phải xây dựng lại đất nước to đẹp, đàng hoàng, phát triển và hiện đại nhưng vẫn phải giữ gìn truyền thống của Thăng Long ngàn năm, thành phố anh hùng.
“Di tích Hoàng Thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Thăng Long-Hà Nội là thủ đô thân yêu của nhân dân cả nước. Và trong tương lai, sẽ trở thành thành phố được người dân khắp thế giới yêu quý.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét