Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Bớt dần phụ thuộc kinh tế Trung Quốc

Lời tòa soạn: Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc dù là đôi bên cùng có lợi song chúng ta phải làm nhiều cách để tránh sự phụ thuộc hoàn toàn và bất cân xứng, gây hại cho sự phát triển về lâu dài.

Bài 1: Từ chối dự án kém
Việt Nam đang mong muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), kể cả Trung Quốc, nhưng phải là dự án tốt ở những ngành công nghệ cao, công nghệ sạch.
Ông Mai Thanh Hải - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Cáp điện VinaDaesung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài - cho rằng trước hết cần phải sửa Luật Đấu thầu theo hướng loại bỏ những gói thầu chất lượng tồi, không làm lợi, thậm chí gây tổn hại đến kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Vốn nhiều nhưng tỉ lệ nội địa hóa 0%!
Số liệu thống kê cho thấy tính đến hết năm 2013, Trung Quốc có 977 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng số vốn đăng ký lũy kế đạt gần 7 tỉ USD, đứng thứ 9/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Đáng chú ý, riêng năm 2013, vốn đầu tư FDI của Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, đạt 2,3 tỉ USD, chiếm 16% tổng FDI của Việt Nam. Hoạt động FDI cũng gia tăng thông qua việc Trung Quốc đứng thứ 3 trong số 50 quốc gia và khu vực có dự án đầu tư cấp phép mới vào Việt Nam.
Hiện nay, đại đa số dự án lớn của Việt Nam do Trung Quốc thắng thầu, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng như: Dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, dự án đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng, dự án Đường 5, dự án Đường sắt trên không Cát Linh - Hà Đông…
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu cơ khí - Bộ Công Thương vừa công bố, Việt Nam hiện có 20 dự án năng lượng, trong đó 15 dự án do tổng thầu Trung Quốc thực hiện với tỉ lệ nội địa hóa là… 0%. Trong đó, có những công trình lớn DN Trung Quốc trúng thầu, như: Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Duyên Hải 1…
Đường sắt trên không Cát Linh - Hà Đông, một trong những dự án lớn của nước ta mà Trung Quốc thắng thầu Ảnh: THẾ KHA
Đường sắt trên không Cát Linh - Hà Đông, một trong những dự án lớn của nước ta mà Trung Quốc thắng thầu Ảnh: THẾ KHA
Nguyên nhân Trung Quốc trúng thầu lớn ở Việt Nam được giới chuyên gia chỉ ra là do giá bỏ thầu rất thấp; trang thiết bị, công nghệ cạnh tranh rất lớn về giá. Trong khi đó, nhiều địa phương ham thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm nên sẵn sàng gật đầu với những gói thầu giá rẻ mà không thực sự quan tâm đến chất lượng.
Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cao cấp - cho rằng Trung Quốc chỉ là một trong số những nước đầu tư vào Việt Nam loại khá, chưa bao giờ vươn lên tốp đầu… nên mức độ ảnh hưởng không quá lớn. Thực tế, Việt Nam vẫn thu hút được những nhà thầu chất lượng tốt từ Nhật Bản, châu Âu…
Chất lượng nhà thầu Trung Quốc thấp
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng thẳng thắn nhìn nhận các gói thầu của Trung Quốc thường có chất lượng kém, sử dụng công nghệ lạc hậu, thường hay bị đội giá do nhiều phát sinh trong quá trình thực hiện, nhiều dự án chậm tiến độ. “Các dự án thắng thầu của Trung Quốc cũng là nguyên nhân gây thâm hụt thương mại khiến Việt Nam nhập siêu từ nước này cao qua nhiều năm” - ông Thắng nêu.
Theo TS Lê Đăng Doanh, việc Trung Quốc tìm đến Việt Nam đầu tư khiến nền kinh tế trong nước không được hưởng lợi nhiều mà ngược lại còn bị lợi dụng.
Ông Mai Thanh Hải cho rằng với công nghệ không tiên tiến, dây chuyền máy móc chỉ cạnh tranh ở giá rẻ mà không đạt chất lượng nên chúng hư hỏng nhiều sau thời gian ngắn sử dụng dẫn đến nhiều hoạt động bị ngừng trệ, chi phí sửa chữa rất tốn kém.
“Vấn đề ô nhiễm môi trường do công nghệ không tốt cũng là điều đáng lo ngại. Chưa kể đến việc Trung Quốc có thể lấy cớ đầu tư để di dân sang nước bản địa, không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều nước khác ở châu Phi, Lào, Campuchia, một phần nước Nga… Thực tế, có những dự án của Trung Quốc kéo theo hàng ngàn chuyên gia trình độ thấp đến Việt Nam làm việc gây nguy cơ bất ổn và không tạo được công ăn việc làm cho người Việt. Chúng ta phải thận trọng lựa chọn các dự án đầu tư, không nên chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt mà cần tính đến lâu dài khi sàng lọc, lựa chọn” - ông Hải khuyến cáo.
Ông Mai Thanh Hải cho biết ông luôn chọn mua máy móc, thiết bị công nghệ cao từ thị trường Âu, Mỹ, Nhật Bản với giá đắt nhưng bền, không phải sửa chữa. “Như vậy, mức đầu tư không cao hơn so với nhập thiết bị rẻ song thường xuyên gặp sự cố. Do đó, DN nên quan tâm đến việc đánh giá chất lượng thiết bị thay vì ưu tiên nhập công nghệ rẻ từ Trung Quốc” - ông Hải khuyên.
Tự lực thì mới tự cường
Ở góc nhìn rộng hơn, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Quang A cho rằng nguy cơ lệ thuộc Trung Quốc là do bản thân nền kinh tế Việt Nam còn yếu kém, DN hoạt động không hiệu quả nên phải dựa vào đầu tư nước ngoài. Do đó, theo ông, muốn thoát lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác thì rất cần tự nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

4 tháng, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 28,4%
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ Công Thương tổ chức chiều 2-6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường. Về việc mở rộng thị trường giao thương, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp thông qua tích cực đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và 6 hiệp định thương mại tự do (FTA) khác. “Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu là việc rất quan trọng cần hướng tới” - ông Hải khẳng định.
Một số giải pháp khác để giảm lệ thuộc nhập siêu từ Trung Quốc được ông Hải chỉ ra là tăng cường sản xuất trong nước, tăng xuất khẩu vào thị trường này. Trong 4 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu Việt Nam vào Trung Quốc tăng 28,4% so với năm trước.
Nguồn: http://nld.com.vn/

Đội mũ bảo hiểm không chuẩn sẽ bị phạt như không đội mũ bảo hiểm

VOV.VN - Từ 15/6, quy định này sẽ được áp dụng với những người tham gia giao thông. Người sản xuất hàng không chuẩn cũng sẽ bị xử nghiêm.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa yêu cầu Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố siết chặt việc quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm.
(ảnh: Tiền phong)

Theo đó, từ ngày 15/6, người tham gia giao thông sử dụng các loại mũ không phải mũ bảo hiểm sẽ bị phạt như hành vi không đội mũ bảo hiểm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy, xe đạp điện cũng bị xử lý.
Đây là chiến dịch của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và được triển khai vào tháng cao điểm nắng nóng của mùa hè, thời điểm mà người tham gia giao thông thường chọn những loại mũ thời trang nhưng không có chức năng bảo hiểm, bảo vệ đầu để đội khi đi xe gắn máy.  
Trong đợt cao điểm này, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm, cấm các loại mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy nhập lậu trên thị trường; kiểm soát, xử lý nghiêm người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm; đội mũ không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.
Ngoài ra, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu các cơ quan, lực lượng phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng loạt việc tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm trên toàn quốc./.
Nguồn: http://vov.vn/

Người dân mơ hồ về đăng ký biển cho xe máy điện

Ngày 1/6 Thông tư 15 của Bộ Công an, hướng dẫn thi hành về đăng ký xe, trong đó có nội dung, xe máy điện phải đăng ký biển số có hiệu lực. Tuy nhiên không ít người dân vẫn còn mơ hồ, ngỡ ngàng trước quy định này.
Mặc dù, các nội dung trong Thông tư hướng dẫn về việc đăng ký xe máy điện đã được đăng tải nhiều ngày qua trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên theo ghi nhận ở những quận trung tâm của thủ đô, phần lớn những người dân vẫn mơ hồ về quy định này. 
xe-mo-to-dien-9422-1401336535.jpg
Người đi xe máy điện vi phạm sẽ bị xử lý như với người đi xe mô tô. Cụ thể với lỗi vi phạm không đội mũ bảo hiểm sẽ bị phạt 150.000 đồng. Ảnh: Bá Đô.
Điểu khiển chiếc xe máy điện có kiểu dáng giống xe AirBlade, đi trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) em Nguyễn Văn Thành 18 tuổi cho hay, chỉ nghe "mang máng" về việc đăng ký xe máy điện, tuy nhiên không biết phải đăng ký như thế nào và sẽ bị xử phạt nếu vi phạm ra sao.
"Em cứ nghĩ xe chạy bằng điện với tốc độ thấp, khi mua không cần phải thủ tục rườm rà nên mới chọn, chứ biết phải đăng ký thì mua xe máy chạy cho thỏa mái", Thành nói.
Còn chị Nguyễn Thị Tuyên ở Hoàng Mai đang sở hữu một chiếc xe máy điện mua từ năm 2012, cũng tỏ ra bất ngờ  trước quy định ngày 1/6 tới, nếu xe không  đăng ký sẽ không được lưu thông. "Bây giờ chẳng còn giấy tờ gì liên quan đến xe, chỉ còn giấy bảo hành nhưng đã hết hạn thì đăng ký thế nào".
Chị Tuyên cũng cho rằng, ở khu tổ dân phố, công an phường chưa thông báo và hướng dẫn cụ thể về việc này. "Hôm nay mới biết là phải đăng ký nhưng không đầy đủ giấy tờ thì sao kịp đến 1/6 có biển số", chị Tuyên lo ngại.
Sáng 29/5, tổ công tác thuộc đội CSGT số 4 có mặt ở ngã tư Trần Khát Chân - Võ Thị Sáu đã xử lý hơn 10 trường hợp đi xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm và vượt đèn đỏ, tuy nhiên chỉ có hai, ba người nắm được quy định phải đăng ký biển số, còn lại đều rất mơ hồ thậm chí có người chưa từng biết đến quy định này.
Thượng úy Lê Văn Tiến, Đội phó Đội CSGT số 4 cho biết, căn cứ theo quy định sau 1/6 xe máy điện khi tham gia giao thông nhưng chưa đăng ký, không chứng minh được nguồn gốc, sẽ bị tạm giữ xe 7 ngày. Sau thời hạn này nếu không xác minh được tiếp, chiếc xe sẽ bị tịch thu. Ông cho rằng, cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn về hướng xử lý, nếu không "hàng triệu xe điện máy sẽ đắp chiếu mà không dám lưu thông ngoài đường".
xu-phat-xe-dien-2167-1401336535.jpg
Tại ngã tư Trần Khát Chân - Võ Thị Sáu, nhiều xe máy điện bị xử lý lỗi không đội mũ bảo hiểm, lỗi vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông. Ảnh: Bá Đô.
Đồng tình với quan điểm này, thượng úy Nguyễn Minh Đức, Đội phó Đội CSGT số 1, phòng CSGT Hà Nội cũng cho hay, để tạo điều kiện cho người tham gia lưu thông có thêm thời gian thực hiện quy định, các tổ công tác chủ yếu nhắc nhở và yêu cầu người dân phải đi đăng ký mới được tham gia giao thông.
Trước đó, trao đổi với VnExpress, đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Cục phó CSGT cũng khẳng định, nếu sau 1/6, xe máy điện không đăng ký sẽ không được phép lưu thông ngoài đường và nếu vi phạm sẽ xử lý theo nghị định 171. Đại tá Tuấn cũng khuyến cáo người dân khi có phương tiện nên tự ý thức và có trách nhiệm đến cơ quan chức năng đăng ký lấy biển số xe.
Nghị định 71/2012/NĐ-CP (điều 1, khoản 2, mục 3, điểm i) ban hành ngày 19/9/2012 quy định: xe máy điện thuộc phương tiện giao thông cơ giới (quy định tại điều 3, khoản 18, Luật Giao thông đường bộ), khi hết điện, không thể đạp pê-đan cho xe chạy được như xe đạp điện.
Với những lỗi điều khiển xe không có còi, đèn soi, biển số hoặc điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định sẽ bị phạt từ 80-100.000 đồng.
Người sử dụng đăng ký xe không đúng theo quy định sẽ bị phạt 300.000-400.000 đồng và tạm giữ xe 7 ngày theo quy định.
Nguồn: http://vnexpress.net/

Các món ngon trong dịp Tết Đoan Ngọ

Ngoài tác dụng diệt trừ sâu bọ như quan niệm dân gian, các món ăn trong ngày 5/5 âm lịch như thịt vịt, rượu nếp và bánh tro còn giúp giải nhiệt trong những ngày đầu hè oi bức.
Dù đi đâu, làm gì thì trong ngày 5/5 âm lịch, nhiều người cũng quên những ký ức về các món ăn trong dịp Tết Đoan Ngọ, hay còn gọi là ngày giết sâu bọ.
Cơm rượu nếp
Với ý nghĩa giết sâu bọ, cơm rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong sáng ngày Tết Đoan Ngọ. Bởi theo quan niệm dân gian, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể. Gạo được chọn để nấu cơm rượu nếp là loại nếp cẩm, hoặc nếp cái hoa vàng, ngon nhất là gạo nếp lứt, hạt nâu vàng, óng ả. Sau đó gạo được nấu, để nguội và ủ lên men để cho ra những hạt cơm chắc mà dẻo, quyện với men rượu đượm hương thảo dược, cay nhẹ nhưng vẫn để lại dư vị ngọt trên đầu lưỡi.
Cơm rượu nếp rất phổ biến trong cả nước nhưng ở mỗi vùng món ăn này lại có những đặc trưng riêng về thời gian và cách ủ. Trong khi cơm rượu nếp miền Bắc thì để rời từng hạt thì cơm rượu của người miền Trung được ép thành từng khối và cơm rượu miền Nam được viên tròn.
K14-8209-1401682437.jpg
Cơm rượu nếp dân dã trong Tết Đoan Ngọ. Ảnh: laodong
Thịt vịt
Không phổ biến như cơm rượu nếp nhưng thịt vịt là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết "giết sâu bọ" của người dân miền Trung. Một số giải thích rằng, vịt có tính hàn, ăn vào sẽ giúp cơ thể mát mẻ, bổ dưỡng trong những ngày oi bức đầu tháng 5 âm lịch (lập hạ). Trong khi đó, một số lại quan niệm, vịt sẽ bắt đầu béo ngậy, thơm ngon hơn kể từ ngày mùng 5/5 (âm lịch) trở đi.
Vào ngày này, các chợ miền Trung và một số ở miền Bắc thường rộn rã việc mua bán vịt sống. Vịt sau khi mua về được chế biến thành nhiều món như vịt luộc chấm mắm gừng, vịt kho, bún măng vịt hay vịt om sấu ăn kèm bún. Trong đó phổ biến nhất là tiết canh vịt.
24h-6326-1401682437.jpg
Bún vịt thanh mát ngày hè. Ảnh: 24h
Bánh tro
Cùng với nhiều loại hoa quả đầu mùa như mận, vải, xoài, măng cụt..., bánh tro là món ăn truyền thống trong dịp tết Đoan Ngọ ở Việt Nam. Bánh tro có nhiều tên khác nhau như bánh ú tro, bánh gio hay bánh âm. Bánh có màu vàng đậm do gạo nếp được ngâm từ nước tro đốt bằng củi các loại cây khô, sau đó gói trong lá chuối rồi đem luộc.
Tùy từng nơi bánh được gói theo các hình dáng khác nhau như thuôn dài hay chóp tam giác. Bên trong bánh thường là nhân mặn hoặc ngọt, đôi khi không nhân. Bánh tro dễ ăn, dễ tiêu làm mát ruột, thường ăn với đường hoặc mật. Vị thanh mát của bánh tro hòa quyện với vị ngọt ngào của đường mật khiến bất kỳ ai ăn một lần cũng phải luyến lưu thứ bánh giản dị mà dân dã này.
gdptthegioi-8602-1401682437.jpg
Bánh tro. Ảnh: gdptthegioi
Bánh khúc
Khác với người Kinh có cơm rượu nếp, bánh tro, thịt vịt, đặc sản Tết Đoan Ngọ của người Nùng (Mường Khương, Lào Cai) là món bánh khúc. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp ngon, rau khúc, đậu xanh, hạt vừng đen. Bánh khúc có hình thù và cách làm gần giống bành dày.
Gạo sau khi ngâm kỹ, giã cùng rau khúc thành bột mịn và nắm thành từng nắm nhỏ. Đậu xanh xay vỡ, đãi sạch vỏ ngoài, đem đồ chín. Hành phi chín vàng rồi cho vừng đen rang chín, giã nhỏ trộn đều với đỗ làm nhân bánh. Bánh khúc được hấp hoặc rán tùy theo sở thích, nhưng hấp dẫn nhất là chao qua chảo mỡ. Bởi lúc này, những chiếc bánh nóng có độ phồng, bóng, thơm thơm của mùi lá khúc cùng hương vị của đậu xanh, của hành, mỡ pha chút ngậy của vừng đen.
Chè kê
che-ke-01-saigonamthuc-9936-1401682437.j
Chè kê trong ngày Tết Đoan Ngọ ở Huế. Ảnh: saigonamthuc
Chè kê cũng là món ăn rất đặc trưng cho ngày Tết Đoan Ngọ ở Huế. Những hạt kê mẩy tròn sau khi được xay cho tróc vỏ, ngâm và đun sôi đến khi nở mềm, sền sệt, bỏ thêm đường và nước gừng sẽ cho ra nồi chè thơm phức với màu vàng kê quyến rũ.
Chè kê nấu đơn giản những chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn so với các ngũ cốc khác, đồng thời có tác dụng bồi bổ khí huyết, cân bằng thể trạng cho những người thường xuyên dùng các đồ ăn, thức uống giải nhiệt.
Chè kê ở Huế rất đặc biệt vì thường ăn kèm với bánh tráng mè. Lúc ăn không cần muỗng mà dùng bánh tráng để xúc. Bởi thế vị giòn của bánh tráng nhanh chóng hòa lẫn với vị ngọt của đường, vị dẻo thơm của kê và thơm cay thoang thoảng của gừng tươi khiến món ngon càng thêm hấp dẫn.
Nguồn: http://dulich.vnexpress.net/

Hình ảnh đẹp về CSGT trên đường phố Hà Nội


(Dân trí) - Tại phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội), một chiến sĩ CSGT cặm cụi đẩy một chiếc xe chở nặng, chết máy giữa đường khi nhiệt độ ngoài trời lúc này lên tới 40 độ C.
Đây là hình ảnh một bạn đọc Dân trí ghi lại vào khoảng 15h30 ngày 2/6 tại phố Tôn Đức Thắng (Đống Đa – Hà Nội). Một chiến sĩ CSGT cặm cụi đẩy một chiếc xe chở nặng, chết máy trên đường khi nhiệt độ ngoài trời lúc này lên tới 40 độ C. Một lần nữa, những hành động rất đỗi đời thường, nhưng đã để lại thật nhiều ấn tượng đẹp về người CSGT trong lòng người dân.

Nguồn: http://dantri.com.vn/

Cán bộ công chức Hà Nội không được nói tục

(Dân trí) - Hà Nội vừa ban hành quy chế yêu cầu cán bộ công chức khi giao tiếp với đồng nghiệp phải lịch sự, không nói tục, dùng tiếng lóng, quát nạt. Trong giao tiếp với nhân dân phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích rõ ràng, cụ thể.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quy chế thực hiện Kỷ cương hành chính và Văn hóa công sở tại Văn phòng UBND thành phố. Mục đích của việc ban hành quy chế trên nhằm hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Cán bộ, công chức Hà Nội phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến nhân dân (Ảnh minh họa)
Cán bộ, công chức Hà Nội phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến nhân dân (Ảnh minh họa)
Cụ thể trong giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, trung thực, thân thiện, hợp tác. Ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc; không nói tục, dùng tiếng lóng, quát nạt; phải công bằng, vô tư, khách quan khi nhận xét, đánh giá và đoàn kết trong nội bộ.
Trong giao tiếp và ứng xử với nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc.
Đặc biệt, khi giao tiếp qua điện thoại, cán bộ, công chức, viên chức phải xưng tên, cơ quan, đơn vị công tác; trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc và không ngắt điện thoại đột ngột.
Hà Nội cũng cấm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc tại công sở, trừ trường hợp được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan vào các dịp liên hoan, lễ tết, tiếp khách ngoại giao. Cán bộ, công chức, viên chức cũng bị cấm đánh bạc dưới mọi hình thức; cấm đánh cờ, chơi game hoặc chơi thể thao trong giờ làm việc.
Cán bộ, công chức, viên chức của Hà Nội không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức có nhiệm vụ phối hợp với phòng Tổng hợp, Ban Thanh tra nhân dân thường xuyên kiểm tra việc thực hiện kỷ cương hành chính, văn hóa công sở theo Quy chế và báo cáo Chánh Văn phòng để có hình thức nhắc nhở, kỷ luật những trường hợp vi phạm.
Nguồn: http://dantri.com.vn/

Không có chuyện Nhật dừng dự án ODA với VN

 Bộ KH-ĐT phủ nhận thông tin Nhật Bản sẽ tạm hoãn ODA do nghi án hối lộ liên quan dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội.
Trước thông tin về việc Nhật Bản ngày 2/6 đã thông báo với Chính phủ Việt Nam sẽ tạm hoãn viện trợ phát triển chính thức (ODA) do nghi án hối lộ liên quan tới dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội được Nhật Bản cấp vốn, ông Nguyễn Xuân Tiến, Vụ phó Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Nhật Bản sẽ không dừng các dự án ODA đối với Việt Nam. ​

Theo đó, đối với các dự án ODA mới, phía Nhật Bản sẽ phê duyệt dựa trên cơ sở phía Việt Nam cam kết thực hiện điều tra và xử lý nghiêm các cá nhân hoặc tập thể liên quan đến nghi án công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đưa hối lộ; xây dựng các biện pháp phòng ngừa phát sinh những vụ việc tương tự.
Nhật Bản, ODA, hối lộ, JTC, tham nhũng, JICA
Đường vành đai 3, Hà Nội được xây dựng nhờ vốn ODA của Nhật Bản
Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA trong thời gian tới, cùng với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng như ban hành Quy tắc đạo đức và ứng xử trong đấu thầu đối với các dự án ODA Nhật Bản, Quy chế thí điểm về sự tham gia của bên thứ ba trong đấu thầu các dự án ODA Nhật Bản, hợp tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hậu kiểm một số gói thầu tại một số dự án ODA Nhật Bản, Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra các dự án ODA nói chung, đặc biệt là các dự án ODA Nhật Bản; đồng thời, lấy ý kiến sửa đổi, hoàn thiện các quy định có liên quan như: luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp, luật Đấu thầu sẽ có hiệu lực từ 1/7/2014 và luật Đầu tư công sắp được Quốc hội thông qua nhằm minh bạch hóa công tác đấu thầu, tài chính doanh nghiệp.

Liên quan đến nghi án hối lộ của JTC, Chính phủ và các cơ quan chức năng của phía Việt Nam đã và đang phối hợp với phía Nhật Bản nhằm xử lý vụ việc một cách tích cực và nghiêm minh. Phía Việt Nam ngay từ khi có thông tin chính thức đã nhanh chóng điều tra và tạm giữ các cá nhân có dấu hiệu vi phạm, sai phạm.

Diễn tiến xung quanh nghi án hối lộ ODA

- Yomiuri Shimbun trích đăng tháng ngày 20, 21/3/2014 cho hay Chủ tịch JTC Tamio Kakinuma thừa nhận JTC đã đưa hối lộ 130 triệu yên để được tư vấn cho 4 dự án đường sắt có tổng trị giá 7,8 tỉ yên, trong đó hối lộ cho một quan chức cao cấp về quản lý dự án ngành đường sắt Việt Nam 80 triệu yên (16,4 tỉ đồng).

- Ngay khi báo chí Nhật Bản đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước khi lên đường dự hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở Hà Lan đã chỉ đạo hai Phó Thủ tướng trực tiếp điều phối giải quyết vụ việc. Bên lề hội nghị, Thủ tướng có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Shinzo Abe để trao đổi xung quanh vấn đề này.

- Văn phòng Chính phủ phát thông báo về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về làm rõ thông tin đưa hối lộ tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp xúc với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam để trao đổi thông tin.

- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện KSNDTC, Bộ GTVT, Bộ Ngoại giao chủ động xác minh, làm rõ và liên hệ với các cơ quan chức năng phía Nhật Bản để thu thập hồ sơ tài liệu về vụ việc.

- Bộ trưởng GTVT chủ trì cuộc họp bất thường về thông tin công ty Nhật hối lộ để trúng thầu dự án ODA. Ngoài việc yêu cầu đình chỉ trưởng ban quản lý, một số người nghỉ hưu và chuyển công tác cũng đã được yêu cầu làm giải trình, Bộ trưởng cũng yêu cầu thành lập đoàn thanh tra rà soát tất cả các dự án mà công ty JTC tham gia, dừng giải ngân các dự án đang tiến hành, dừng đàm phán giai đoạn 2 với các dự án.

- Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông sang Nhật Bản xác minh thông tin về nghi án nhận hối lộ.

- Vụ việc được giao cho cơ quan tư pháp Nhật Bản điều tra.
- Chiều 25/3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc tiếp Đại sứ Nhật Bản Hiroshi Fukuda tại Hà Nội. Phó Thủ tướng khẳng định "Việt Nam kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam vụ việc nghi vấn đưa hối lộ của JTC cho quan chức Việt Nam nếu được điều tra là đúng".
Nguồn: http://vietnamnet.vn/